Người trẻ vẫn chọn đọc sách, yêu sách giữa thời buổi mạng xã hội lên ngôi. (Nguồn: Tạp chí công dân & khuyến học)
Câu lạc bộ dành cho người yêu sách
Nguyễn Trúc Lam sinh năm 1997, là nhân viên một công ty du lịch lữ hành trên địa bàn TP Hồ Chí Minh là thành viên nhóm đọc sách “Mê đọc”. Trúc Lam cho biết, nhóm ban đầu do một chị là giáo viên thành lập, với trụ sở là phòng đọc sách tại nhà. Sau đó, người thành lập nhóm định cư tại nước ngoài, các thành viên còn lại đã di chuyển trụ sở của nhóm đến một quán cà phê sách ở quận Bình Thạnh do một thành viên nhóm làm chủ.
Ban đầu, nhóm có 8 người, hiện nay đã phát triển được hơn 25 người. Thành viên nhóm có lứa tuổi từ 23 đến 42, đều là những người có chung sở thích là yêu thích việc đọc. Mỗi một tuần, nhóm sẽ offline (gặp mặt trực tiếp) một lần vào ngày không cố định. Trong buổi offline ấy, mọi người sẽ cùng nhau đọc sách, sau đó giới thiệu sách mới, hay mà các thành viên tâm đắc hoặc cùng thảo luận về một quyển sách hay nào đó, cùng nhau uống cà phê chuyện trò...
Ngoài ra, một vài tháng, nhóm còn tổ chức những chuyến dã ngoại, du lịch cùng nhau. Và đương nhiên, các hoạt động cũng thường xoay quanh sách. Như các điểm du lịch hướng đến không gian đẹp, thoải mái để mang theo sách cùng thưởng thức, cùng nói chuyện về tác phẩm sách hay, giao lưu với các câu lạc bộ thích đọc sách khác... Tủ sách của nhóm hiện nay có hơn 800 quyển sách, là do các thành viên đóng góp.
Trúc Lam chia sẻ: “Mình yêu sách từ bé, nhưng chung quanh thì không mấy bạn bè cùng sở thích nên mình nghĩ thói quen đọc sách có lẽ cũng khá hiếm hoi. Nhưng từ khi tham gia nhóm, mình mới thấy rằng còn rất nhiều người, ở mọi lứa tuổi yêu thích việc đọc sách, đam mê với các tác phẩm hay. Mình cảm thấy việc đọc trở nên hứng thú hơn, nhiều ý nghĩa hơn và mong muốn nhóm ngày một mở rộng thành viên”.
Còn tại Đà Nẵng, có câu lạc bộ (CLB) Đọc sách Đà Nẵng quy mô nhỏ hơn, chỉ hơn chục thành viên tham gia sinh hoạt thường xuyên nhưng cũng có các hoạt động rất ý nghĩa, như cùng lắng nghe, chia sẻ niềm vui đọc sách, tổ chức các buổi nói chuyện về sách, các cuộc thi nhỏ về chia sẻ sách hay với giải thưởng là những cuốn sách mới, giá trị. CLB duy trì sinh hoạt mỗi tháng 2, 3 lần tại các quán cà phê sách vào ngày cuối tuần, là một điểm đến yêu thích của những người yêu đọc sách ở Đà Nẵng.
Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Hà Nội có rất nhiều nhóm, câu lạc bộ yêu đọc sách, tôn vinh việc đọc với quy mô từ nhỏ đến lớn. Có những nhóm nhỏ, chủ yếu là những người cùng sở thích gặp gỡ, trao đổi về sách. Nhưng cũng có những nhóm lớn, do các tổ chức, cá nhân đứng ra thành lập, ngoài tạo thói quen đọc sách, còn đặt ra mục tiêu lớn hơn là lan tỏa lòng yêu sách, tôn vinh văn hóa đọc. Họ mở những thư viện miễn phí những cửa hàng sách “0 đồng”, những mô hình trao đổi sách lấy sách, cây lấy sách... rất phong phú, được nhiều người ủng hộ.
Hiện nay, tại các thành phố lớn có ba hình thức CLB sách chính phổ biến để cộng đồng người yêu sách Việt có thể tham gia: CLB sách của cá nhân hoạt động theo nhóm nhỏ, CLB sách của các nhà xuất bản, các công ty phát hành và CLB sách của học sinh, sinh viên.
Mỗi một hình thức thường có đôi chút cách thức gặp gỡ, tổ chức khác nhau, quy mô cũng khác nhau, nhưng đó là những sân chơi với nhiều hoạt động thú vị, hấp dẫn, khiến những người yêu việc đọc có cơ hội để gặp gỡ, giao lưu, duy trì thói quen đọc sách và cũng khiến những người mới bước chân vào “địa hạt” của sách có thêm động lực đến với việc đọc.
Những năm qua, có thể thấy, bất chấp sự lên ngôi của mạng xã hội với một thế giới giải trí hấp dẫn vô biên, phong trào yêu sách, thích đọc sách vẫn luôn có chỗ đứng trong thói quen sống của cộng đồng. Tại Việt Nam, các phong trào này phát triển qua hình thức các câu lạc bộ, các nhóm đọc sách và cả các cá nhân yêu sách. Phong trào được sự chung tay phát triển của các cá nhân, tổ chức và những nhà làm sách đầy năng động.
Có thể nhìn vào hoạt động của các CLB sách, mô hình cà phê sách, thư viện mini, Đường sách các địa phương, hoặc từ kết quả lượt khách viếng thăm khổng lồ và doanh thu “khủng” của các hội sách trong nước cũng có thể minh chứng được điều này.
Mạng xã hội giúp phát triển văn hóa đọc
Một kênh Youtube giới thiệu sách do bạn trẻ Hà Khuất thực hiện, được người xem trẻ tuổi yêu thích. (Ảnh: chụp màn hình)
Trong những năm qua, đã có thời điểm, người ta lo lắng rằng việc đọc sách sẽ bị lấn át bởi mạng xã hội, cũng như thói quen đọc sách sẽ phải lùi dần, nhường chỗ cho những thú vui thời thượng trên mạng. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, tình yêu với sách, thói quen đọc sách vẫn là một dòng chảy mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng, được trao truyền bởi thế hệ trước và được duy trì bởi những người trẻ năng động, giỏi công nghệ.
Nếu như các nhóm offline sách đã hoạt động rất tốt, thì các nhóm yêu đọc sách online, nhờ sức mạnh của mạng xã hội, còn phát triển tốt hơn nhiều. Trên mạng xã hội hiện nay, có đến hàng ngàn nhóm đọc sách lớn, nhỏ. Đó có thể là các nhóm thiện nguyện xã hội chung tay lan tỏa tình yêu sách, đem sách đến cho các em thiếu nhi vùng sâu, vùng xa mà môi trường kết nối là mạng xã hội, hoặc các hội, nhóm đọc sách lớn với nhiều hoạt động tích cực.
Cũng có những nhóm nhỏ, hướng về thu hút những người có sở thích chung với nhau, như nhóm những người thích đọc sách kinh tế, nhóm những người yêu tiểu thuyết kinh điển, nhóm yêu truyện trinh thám, nhóm mê đọc truyện tranh.... Mạng xã hội giúp cho việc kết nối giữa những người cùng sở thích về sách trở nên dễ dàng hơn.
Nói là thế giới ảo, nhưng nhiều nhóm, nhiều trang mạng đã giúp truyền tải rất nhiều giá trị tuyệt vời của sách đến người đọc. Nổi tiếng trên mạng hiện nay có các trang Goodreads, Trạm Đọc, Reader, Sách hay... là những địa chỉ mà người yêu sách có thể truy cập, “ngấu nghiến” các dòng giới thiệu, phân tích, bình luận về sách rất chất lượng.
Về phía cá nhân, hiện nhiều bạn trẻ sử dụng các mạng xã hội TikTok, Facebook, Youtube... để làm kênh video chuyên giới thiệu, phân tích sách. Không ít người trẻ có góc nhìn hay, mới mẻ, cách giới thiệu duyên dáng, thuyết phục, đã trở thành những Kols (người có sức ảnh hưởng) trong lĩnh vực review sách, được nhiều người trẻ hâm mộ. Nhờ những kênh giới thiệu sách này, đã có những quyển sách “cháy hàng” vì chạm đến trái tim người đọc từ những dòng giới thiệu.
Những bạn trẻ lập ra các kênh như Tanab, Đang đọc gì đấy, Cô gái ăn sách, Hà Khuất, Vui lên... thay vì chọn những lối đi “dễ” nổi tiếng, hợp phong trào hay chiêu trò trên mạng, để chọn tình yêu sách làm lối đi riêng và cái họ gặt được không chỉ là sức ảnh hưởng, là sự nổi tiếng, được yêu thích, mà còn là ý nghĩa tốt đẹp khi góp phần giúp nhiều bạn trẻ khác thêm hiểu biết, thêm yêu mến việc đọc, mở rộng tri thức.
Hiện nay, mạng xã hội cũng tạo nhiều điều kiện cho những người quan tâm có thể dễ dàng tiếp cận sách. Có nhiều trang miễn phí hoặc thu phí trên mạng đã đem lại những kho sách hay cho người đọc, với nhiều định dạng hấp dẫn như sách điện tử, sách nói, sách đa phương tiện, khiến cho người ở mọi lứa tuổi, mọi điều kiện đều có thể dễ dàng tìm kiếm, tiếp cận với kho tri thức của nhân loại một cách dễ dàng nhất.
Cũng không thể không nhắc đến các nhà làm sách, trong nhiều năm qua với những nỗ lực lớn, bằng sức mạnh của công cụ mạng, thông qua các hình thức tiếp thị online đầy sinh động như tương tác trên mạng, kết nối tác giả với bạn đọc, cho bạn đọc được quyền tự chọn hình thức sách, hay các cuộc thi sách lớn nhỏ... đã khiến người đọc trẻ tuổi quan tâm đến sách và việc đọc sách nhiều hơn.
Trong thời đại công nghệ số và sự lên ngôi của mạng xã hội, tình yêu với sách dường như là một chiếc thuyền nhỏ giữa biển sóng thông tin vô tận. Nhưng nhờ vào nhiều nỗ lực, đam mê của nhiều con người, nhờ vào giá trị thật sự của sách, tình yêu sách vẫn tồn tại bền vững. Điều này khiến người ta hoàn toàn có thể giữ vững niềm tin vào giá trị sâu sắc và sức mạnh của tri thức, cho dẫu cuộc sống có đổi thay như thế nào.
Ngọc Mai - Pháp luật Plus