Thực tế, các cấp chính quyền của huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm về môi trường…, nhưng do sản xuất nhỏ lẻ, cùng với việc thiếu ý thức chấp hành quy định pháp luật của một bộ phận nhân dân nên tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Một cơ sở tái chế nhựa trên địa bàn xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn).
Ô nhiễm môi trường lan rộng
Ngày 6-1-2024, khảo sát thực tế tại thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn), phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy môi trường sống của người dân địa phương đang bị ô nhiễm nặng bởi mùi hôi từ các cơ sở tái chế nhựa, làm gioăng kính và giặt bao tải xi măng tỏa ra.
Ông Trịnh Xuân Phúc, một người dân địa phương cho biết, nghề tái chế nhựa và gioăng kính xuất hiện ở địa phương cách đây gần 20 năm. Do hầu hết các cơ sở sản xuất đều mang tính tự phát, một số hoạt động không đúng với Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc kinh doanh khi chưa đủ điều kiện theo quy định nên trong quá trình sản xuất đã xả thẳng các loại rác, khí thải độc hại ra khu vực dân cư. Do thường xuyên “sống chung” với môi trường ô nhiễm, nên nhiều người dân thôn Dược Hạ mắc một số bệnh về đường hô hấp, đau mắt kinh niên.
Đáng nói, một số hộ dân sống đối diện với các xưởng tái chế nhựa ở khu Cây Xanh, Bãi Lầy, Mồ Mả… trên địa bàn thôn Dược Hạ, còn cho biết, sợ nhất là vào chiều tối, quanh thôn, xóm bị bao phủ dày đặc bởi một màn khói đen từ các xưởng sản xuất tỏa ra, khiến nhiều gia đình không dám mở cửa.
Tình trạng tùy tiện xả rác, chất thải chưa qua xử lý ra khu vực, gây ô nhiễm môi trường còn diễn ra trên địa bàn thôn Thu Thủy, xã Xuân Thu và các thôn Sơn Đoài, Sơn Đông, xã Tân Minh (huyện Sóc Sơn). Theo tìm hiểu của phóng viên, đây là những địa phương có nghề làm cơ khí và tái chế bao tải nhựa giống như xã Tiên Dược. Ở những địa bàn này, nhiều cơ sở sản xuất chưa đáp ứng được các tiêu chí về xả thải nên hằng ngày "tuồn" ra môi trường một lượng lớn rác và chất thải độc hại. Để khắc phục tình trạng ruồi, nhặng, mùi hôi thối bay vào nhà, người dân sống gần nơi tập kết rác phải châm lửa đốt, nhưng vài ngày sau lượng rác lại chất đầy, gây ô nhiễm môi trường sống khu dân cư.
Không chỉ vậy, tình trạng xả chất thải tùy tiện ra môi trường của các cơ sở sản xuất còn khiến cho hệ thống ao hồ, kênh mương của một số xã không đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp của nhân dân. Tuy nhiên, không biết lý do vì sao, dù người dân đã có ý kiến phản ánh nhưng đến nay, các cấp chính quyền huyện Sóc Sơn vẫn chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng trên.
Nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường
Theo Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn Bùi Thị Thúy Ngân, từ đầu năm 2023 đến nay, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND huyện ban hành 6 kế hoạch liên quan đến công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn. Trong đó, thực hiện Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 9-1-2023 của UBND huyện về kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường và pháp luật liên quan đối với các cơ sở, đơn vị hoạt động trên địa bàn, huyện đã kiểm tra 56 cá nhân và đơn vị đang hoạt động sản xuất tại các địa phương. Qua kiểm tra, tổ công tác đã lập hồ sơ xử lý 5 trường hợp vi phạm quy định trong lĩnh vực môi trường, với số tiền xử phạt hơn 631,4 triệu đồng. Thế nhưng, lần nào cũng vậy, khi phát hiện có đoàn đến kiểm tra, hầu hết các cơ sở đều đóng cửa, dừng hoạt động. Khi lực lượng chức năng rời khỏi hiện trường, các cơ sở lại tái diễn vi phạm.
Liên quan đến vấn đề này, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Toàn cho rằng, nguyên nhân dẫn đến hành vi xả thải trái quy định của một số cơ sở sản xuất là do công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập; ý thức chấp hành pháp luật chưa cao. Ngoài ra, do hoạt động sản xuất tập trung gần khu dân cư nên việc ảnh hưởng, gây tác động xấu đến môi trường sống của người dân là không tránh khỏi.
Để giải quyết trình trạng trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Quang Ngọc cho biết, mới đây, UBND huyện đã tổ chức lớp bồi dưỡng và cập nhật kiến thức về công tác quản lý môi trường cho hơn 150 học viên, là lãnh đạo các xã, thị trấn cùng đại diện các doanh nghiệp là người trực tiếp phụ trách lĩnh vực môi trường tại đơn vị… Huyện cũng tổ chức lấy 8 mẫu không khí quanh khu vực chế biến gỗ tại thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu và tổ chức thành công mô hình đổi pin lấy cây xanh tại 6 xã (Phù Lỗ, Đức Hòa, Phù Linh, Quang Tiến, Xuân Giang, Nam Sơn), thu về gần 200kg pin thải... Đối với địa bàn có các cơ sở tái chế nhựa tại xã Tiên Dược, Tân Minh, huyện yêu cầu chính quyền địa phương, các phòng ban tiến hành kiểm tra, quan trắc mức độ gây ô nhiễm, có biện pháp xử lý.
Có thể thấy, tình trạng sản xuất gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Sóc Sơn hiện nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Để bảo đảm môi trường sống của người dân, đề nghị huyện Sóc Sơn đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giúp các cơ sở sản xuất nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, huyện cần sớm quy hoạch địa điểm xây dựng các cụm, điểm công nghiệp để di dời cơ sở sản xuất ra khu tập trung cách xa khu vực dân cư.
Nguyên Hà - Hà Nội mới