Nam Định: Chính quyền xã và doanh nghiệp bắt tay ‘ép’ người dân?

02/08/2018 21:01

Kinhte&Xahoi Dù hệ thống nước sạch cũ vẫn đang còn hoạt động bình thường nhưng chính quyền xã Xuân Trung lại cho rằng hệ thống cung cấp nước đã xuống cấp và yêu cầu người dân phải đóng tiền để lắp hệ thống mới.

Toà soạn nhận được phản ánh của nhiều hộ dân sinh sống tại xã Xuân Trung, huyện Xuân Trường, Nam Định về việc hệ thống nước sạch cũ do chính quyền xã phụ trách cấp nước cho người dân vẫn đang còn hoạt động bình thường, nhưng vào cuối tháng 5 vừa qua chính quyền xã lại nói rằng hệ thống đã xuống cấp và cần phải nâng cấp.

Nhưng thay vì nâng cấp hệ thống nước sạch cũ vẫn đang còn hoạt động tốt, chính quyền xã Xuân Trung lại bắt tay với Công ty TNHH nước sạch Hoàng Gia (địa chỉ tại thôn Đoài Nam, xã Xuân Trung, huyện Xuân Trường, Nam Định) thay thế, phá bỏ toàn bộ hệ thống cũ, bắt các hộ dân phải đóng 3.000.000 đồng để lắp hệ thống mới, nếu hộ gia đình nào phản đối, không đóng tiền sẽ bị cắt nước. Vì không muốn sự việc kéo dài cũng như nhu cầu nước sinh hoạt nên các hộ dân tại đây đã đóng số tiền đó và đồng thời phải đóng thêm 8.100 đồng/ 1 khối nước sinh hoạt. Tuy nhiên sau khi dùng nước của hệ thống mới, các hộ dân thấy nước không đảm bảo chất lượng. Điều này đang gây nên sự bức xúc lớn trong lòng người dân nơi đây.

Công ty TNHH nước sạch Hoàng Gia nằm trên địa bàn xã Xuân Trung - Xuân Trường - Nam Định.

Qua trao đổi với PV, hầu hết những người dân tại đây đều bức xúc và cho biết, trước đây ở địa phương có hệ thống nước sạch do chính quyền xã Xuân Trung phụ trách cấp nước cho hộ các hộ dân sinh hoạt với giá 3.000 đồng/ 1 khối nước, tuy nhiên sau thời gian chính quyền địa phương thông báo hệ thống xử lý và cung cấp nước sạch đang xuống cấp nên cần phải nâng cấp. Nhưng cơ quan chức năng không nâng cấp hệ thống nhà máy xử lý cung cấp nước sạch cũ trên nền móng đã có mà thay vào đó, chính quyền xã lại cùng với Công ty TNHH nước sạch Hoàng Gia đến phá bỏ toàn bộ hệ thống cũ, lặp đặt hệ thống nước sạch mới đồng thời yêu cầu các hộ dân phải đóng tiền đồng hồ đo nước là 3.000.000 đồng.

Trong khi đó, ông Trần Quốc Việt – Chủ tịch UBND xã Xuân Trung lại cho biết: "Trước đây tại địa phương đã có hệ thống nước sạch nhưng vì khoảng thời gian khá lâu nên công trình đã xuống cấp, chúng tôi đã nhiều lần kêu gọi các doanh nghiệp đến trao đổi về việc nâng cấp hệ thống để đảm bảo chất lượng cho bà con nhân dân, nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Cho đến năm 2015, Công ty TNHH nước sạch Hoàng Gia đến đưa ra đề nghị và chúng tôi đã thống nhất với bà con nhân dân về việc nâng cấp và mỗi hộ gia đình phải đóng 3.000.000 đồng. Mọi quyết định đều được thống nhất với người dân và chúng tôi có ghi lại bằng văn bản qua các cuộc trao đổi với nhân dân."

Ông Trần Quốc Việt – Chủ tịch UBND xã Xuân Trung.

Vị chủ tịch xã nhiều lần khẳng định số tiền mà người dân phải đóng là 3.000.000 đồng đều được các hộ dân nhất trí đóng góp và có ghi nhận lại bằng các giấy tờ ghi chép, nhưng khi PV yêu cầu cung cấp các giấy tờ có liên quan thì lại viện lý do “hiện tại giấy tờ còn chưa tìm thấy nên xin gửi lại cho phóng viên sau”, tuy nhiên nhiều ngày đã trôi qua phóng viên vẫn không hề được bất kỳ hồi âm nào từ chính quyền xã Xuân Trung. Việc này khiến dư luận thắc mắc và đặt ra câu hỏi liệu sự việc có đúng như lời Chủ tịch xã nói hay không hay chỉ là một sự ngụy biện bao che cho sự tình ẩn sâu bên trong?

Để làm rõ vấn đề trên phóng viên đã tìm đến các hộ dân và lại nhận được câu trả lời hoàn toàn khác với những gì được ghi nhận từ ông chủ tịch xã Xuân Trung.

Một người dân xin được giấu tên cho biết: Số tiền 3.000.000 đồng các hộ dân bắt buộc phải đóng để lắp đồng hồ nước và hệ thống ống nước sử dụng trong việc cung cấp nước của công ty và nếu như hộ gia đình nào không đóng số tiền đó sẽ bị cắt nước. Vì không muốn sự việc kéo dài và cũng như nhu cầu nước sinh hoạt nên các hộ dân tại đây đã đóng số tiền đó và đồng thời phải đóng 8.100 đồng/1 khối nước sinh hoạt. Nhưng sau khi sử dụng nước thì nhận thấy nguồn nước không được đảm bảo, chất lượng nước không đạt yêu cầu.

Người dân phản ánh, chất lượng nước của hệ thống cung cấp nước mới không đạt chất lượng.

Tại sao hệ thống cung cấp nước cũ vẫn hoạt động bình thường chỉ cần nâng cấp lên là được nhưng chính quyền xã lại đi phá bỏ hoàn toàn thay bằng hệ thống mới đồng thời yêu cầu các hộ dân phải đóng 3.000.000 đồng? Việc không đóng tiền sẽ bị cắt nước có đúng như những gì người dân phản ánh? Mặc dù đã thay thế hệ thống cung cấp nước cũ bằng hệ thống cung cấp nước mới nhưng chất lượng nước lại không đảm bảo, không bằng hệ thống cung cấp nước cũ nguyên nhân do đâu?

Đề nghị UBND huyện Xuân Trường, UBND tỉnh Nam Định và các cơ quan chức năng có liên quan nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xác minh và làm sáng tỏ sự việc để có câu trả lời cho các hộ dân nơi đây. Và những sai phạm (nếu có) trong sự việc cần phải ngăn chặn và xử phạt theo đúng quy định của pháp luật.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

 

 Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thanh oai, Hà Nội: Hơn 100 hộ dân xây nhà trên đất nông nghiệp?

Xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp từ lâu đã là một vấn đề nhức nhối và khó giải quyết tại nhiều địa phương trên cả nước. Theo Luật đất đai năm 2013, việc xây dựng nhà ở hoặc các công trình kiên cố trên đất nông nghiệp trái phép sẽ bị xử phạt tùy mức độ và hành vi vi phạm.