‘Tiền nhiều để làm gì’ nếu hậu ly hôn cái tên Trung Nguyên ‘thui chột’

12/03/2019 09:09

Kinhte&Xahoi Câu hỏi "tiền nhiều để làm gì?" sẽ không có đáp án nếu hậu ly hôn thương hiệu cà phê Trung Nguyên không tiếp tục phát triển, không còn là niềm hãnh diện của người Việt

Cách đây gần chục năm, một lần đi Hội Hoa Xuân, đi qua quầy Cà phê Trung Nguyên, tôi được mời uống cà phê miễn phí và đặc biệt là được tặng sách. So với thời ấy, cuốn sách được in ấn đẹp, nội dung có nhiều ý tưởng mới, lạ, thông thoáng...

Năm 2015, nhà bạn tôi có gần 3 tiếng đồng hồ phỏng vấn ghi hình với một hãng truyền hình có tiếng của nước ngoài. Cho rằng đây là cơ hội hiếm có, anh bạn liên hệ vài công ty lớn bàn xem có linh động lồng ghép lên phông màn bàn ghế... để hình ảnh sản phẩm của các công ty Việt Nam qua ống kính mà "lọt" ra thế giới bên ngoài được chăng.

Bạn tôi gửi email đến 3 nơi thì chỉ có mỗi công ty Trung Nguyên phản hồi. Họ cảm ơn nhưng từ chối rằng: Khi điều kiện thích hợp thì công ty sẽ ký hợp đồng quảng cáo với các nhà đài chứ không lồng ghép.

Tuy vậy hôm sau, Trung Nguyên cho nhân viên liên hệ gia chủ mang tặng một giỏ cà phê đủ các loại sản phẩm, nói là để mời ê kíp thực hiện chương trình uống trong giờ giải lao... Ba vị khách ngoại quốc uống và nhận quà cà phê Trung Nguyên hôm đó nhiều năm qua đã trở thành những "tín đồ" của cà phê Việt Nam nói chung và của Trung Nguyên nói riêng.

Vụ ly hôn của vợ chồng ông Vũ - bà Thảo nhận được rất nhiều sự quan tâm

Nhìn những việc nho nhỏ như vậy để thấy Trung Nguyên đã và đang phát triển với một triết lý kinh doanh tử tế, chuyên nghiệp. Giữa bàn dân thiên hạ như Hội Xuân hay nơi góc khuất với từng cá nhân khách hàng họ ứng xử có tình có lý, không trịch thượng, tham bát bỏ mâm... Điều cảm kích hơn là hàng trăm năm chúng ta sống nơi vùng đất được mệnh danh là "thủ phủ cà phê" nhưng đa phần nông dân đều nghèo và lam lũ, chưa ai nâng tầm cà phê Việt Nam lên được, thì Trung Nguyên đã làm được.

Mặt khác, trong khi nhiều đại gia đi lên bằng con đường bất động sản, khai thác tài nguyên... những lĩnh vực thường dính với tai tiếng tham nhũng, lợi ích nhóm, "loby chính sách", gây ô nhiễm... thì con đường đi lên đại gia của Trung Nguyên tách bạch với các lĩnh vực ấy. Họ phát triển công ty theo khuynh hướng bền vững như trồng rừng, phủ xanh đồi trọc, canh tác nương rẫy.

Đại gia thì nhiều nhưng biết bỏ tiền túi ra in sách tặng sách cho khách hàng để truyền bá tri thức, tư duy khởi nghiệp, khuyến khích văn hóa đọc... đến giới trẻ thì có mấy ai!

Câu chuyện ly hôn của đôi vợ chồng Thảo – Vũ ầm ĩ báo chí và mạng xã hội nhiều tuần qua. Có người giương cao ngọn cờ bình đẳng nam nữ ra ủng hộ bà Thảo. Có người "châm biếm" cứ cày hết thời trai trẻ làm ra tài sản ngàn tỷ rồi giao hết cho vợ để được mang danh trượng phu! Có người cố chứng minh là chỗ bạn bè thân thiết với đại gia thì bê chuyện bếp núc nhà người ta trước công luận. V.v và v.v...

Nhưng dường như đốt đuốc cũng không đọc ra một bài tâm huyết cho tương lai và lối ra của cà phê Trung Nguyên, mà từ lâu đã khiến chúng ta hãnh diện khi bắt gặp hình ảnh logo sản phẩm Việt ở những thành phố phát triển nhất thế giới, như Singapore hay Tokyo...

Nói không ngoa rằng thương hiệu Trung Nguyên theo pháp luật là của đôi vợ chồng Thảo - Vũ và những cổ đông của họ. Nhưng về mặt tình cảm, nó không còn là chuyện riêng của họ nữa mà đã trở thành một phần thương hiệu quốc gia, là niềm tự hào của người dân Việt Nam.

Cho nên, việc ly hôn, chia tỷ lệ cổ phần sở hữu, tài sản... là công việc của tòa án. Nhưng dưới góc độ một khách hàng lâu năm và lòng tự hào công dân với một thương hiệu đất nước, tôi thiết nghĩ phán quyết đưa ra phải trả lời câu hỏi "hậu ly hôn" thương hiệu Trung Nguyên sẽ phát triển như thế nào?

Ông Vũ đam mê làm cà phê từ thời còn tay trắng, phải bỏ học và gặp nhiều thất bại trên đường khởi nghiệp để có thành công ngày hôm nay... là câu chuyện đã thành giai thoại đối với nhiều bạn trẻ nuôi mộng trước ngưỡng cửa cuộc đời.

"Của chồng công vợ", đóng góp của bà Thảo cũng rất cần phải được đề cao. Nhưng việc bà Thảo theo nghiệp cà phê của chồng sau khi kết hôn là điều đã được đồng thuận. Giả thiết nếu ông Vũ khởi nghiệp bằng nghề nuôi tôm thì có lẽ bà Thảo bây giờ là "đại gia tôm" chứ không dính dáng đến cà phê! Vì vậy, cá nhân tôi nghĩ, nói ông Vũ là linh hồn của cà phê Trung Nguyên không phải nói quá.

Ly hôn là việc chẳng đặng đừng nhưng hôn nhân đến một ngưỡng nào đó thì ly hôn lại là chuyện bình thường. Cũng vậy, tôi không tin Vũ bị bệnh "hoang tưởng" nhưng nếu ông bị bệnh thật cũng là chuyện bình thường trong vòng quay sinh lão bệnh tử. Việc gia đình họ chúng ta cần chia sẻ hơn là đem ra mổ xẻ... Ngay cả “hậu ly hôn”, hai bên vẫn cùng chung tay phát triển công ty lên một tầm cao mới theo điều lệ quản trị mới cũng không phải là chuyện không làm được.

Rất nhanh tất cả đều trở thành cát bụi, tỷ lệ 7/3 hay 5/5 cũng chẳng có ý nghĩa gì nếu chuyện gia đình ông Vũ – bà Thảo thành chuyện “ngôn tình rẻ tiền”. Và câu hỏi "tiền nhiều để làm gì?" sẽ muôn đời không có đáp án nếu hậu ly hôn thương hiệu cà phê Trung Nguyên không tiếp tục phát triển, không còn là niềm hãnh diện của người Việt Nam.

Nghĩ về tình cảm yêu mến của hàng triệu khách hàng và đặc biệt là bốn đứa con chung, hai ông bà gác tình riêng lo việc chung là kịch bản đẹp nhất!

Theo VietNamnet/Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Phường Đình Bảng “cấp phép”... bằng miệng cho sử dụng “đất vàng” sai mục đích

Khu đất có vị trí đắc địa thuộc phường Đình Bảng, thị xã Từ sơn được UBND phường Đình Bảng “cấp phép”... bằng miệng cho việc xây dựng trái phép, sử dụng sai mục đích gây bức xúc trong nhân dân địa phương. Trong khi đó, ngân sách Nhà nước không thu được một “cắc” từ việc sử dụng đất trên.