Coco Shop bán sản phẩm không có HSD, không tem nhãn phụ tiếng Việt?

26/09/2018 16:18

Kinhte&Xahoi Vừa qua, tòa soạn có nhận được phản ảnh của một số khách hàng về việc tại Coco Shop (80 Chùa Bộc, P.Quang Trung, Đống Đa, TP Hà Nội) đang bày bán sản phẩm mỹ phẩm không đủ nhãn mác, không có hạn sử dụng (HSD).

Nhân viên không biết hóa đơn GTGT là gì (?)

Tiếp nhận phản ánh của độc giả, PV đã đến cơ sở Coco Shop tại số 80 Chùa Bộc P. Quang Trung, Quận Đống Đa, TP Hà Nội. Tại đây, theo quan sát, cơ sở này bày bán đa dạng về chủng hàng, mẫu mã, từ son, phấn nền, sữa rửa mặt… và đặc điểm chung của nhưng mặt hàng này đều có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài (Hàn, Nhật, Pháp…), kèm theo đó là mức giá “siêu mềm”.

Vào vai một khách hàng đang có nhu cầu mua phấn nước, sản phẩm này được nhân viên giới thiệu là sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Hàn Quốc và xách tay về nên có giá rất mềm so với những cơ sở kinh doanh khác. Qua quan sát, ngoài những dòng chữ tiếng Hàn thì không có tem phụ tiếng Việt, công ty đứng ra xuất nhập khẩu, giấy công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật. Thậm chí khi PV đề nghị cung cấp hóa đơn (GTGT) nhân viên tại cơ sở này còn không biết hóa đơn GTGT là gì và ở đây kinh doanh không cần có hóa đơn GTGT (?).

Theo ghi nhận của phóng viên tại một số cơ sở của Coco Shop, lượng khách hàng lúc nào cũng đông đúc, đội ngũ nhân viên tư vấn đông. Thế mới biết hàng “xách tay” có sức hấp dẫn đến mức nào và cơ sở này hàng ngày cung cấp ra thị trường một lượng sản phẩm không hề nhỏ.

Một trong các cơ sở của Coco Shop.

Lợi dụng tâm lý sính hàng ngoại cũng như lòng tin của người tiêu dùng, không ít cửa hàng đã sử dụng chiêu bài quen thuộc là trà trộn hàng giả, hàng nhái trong vỏ bọc hàng xách tay, bất chấp luật định, sức khoẻ của người tiêu dùng để thu lời bất chính. Khi xảy ra vấn đề ngoài ý muốn, thiệt hại không ai khác lại chính là khách hàng!!!

Vượt mặt cơ quan chức năng?

Dư luận có quyền hoài nghi về việc các sản phẩm được bày bán không rõ nguồn gốc tại cửa hàng mỹ phẩm Coco Shop liệu có đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng hiện nay? Vai trò của các cơ quan chức năng ở đâu khi để cho chuỗi cơ sở của cửa hàng này không ghi rõ thông tin HSD và không rõ tem nhãn phụ tiếng Việt khi bày bán sản phẩm?

Điều đáng nói hơn nữa, mặc dù Coco Shop có nhiều cơ sở tọa lạc ngay tại mặt đường lớn, kinh doanh sầm uất bậc nhất của thủ đô, kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo điều kiện lưu hành thị trường mà vẫn không hề bị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử lý?

Căn cứ khoản 3 Điều 9 Nghị định 89/2006/NĐ-CP quy định: "Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hoá. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc”.

Khi cố tình vi phạm các quy định này, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa nhập khẩu có thể phải chịu mức phạt đến 80 triệu đồng tùy thuộc vào giá trị hàng hóa vi phạm theo quy định tại Điều 26 Nghị định Nghị định số 80/2013/NĐ-CP.

Khoản 7, điều 3, Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định:

Hàng nhập lậu bao gồm:

a) Hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật;

b) Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu có điều kiện mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định kèm theo hàng hóa khi lưu thông trên thị trường;

c) Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;

d) Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;

đ) Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.

Như vậy hàng mỹ phẩm xách tay được coi là hàng nhập lậu theo quy định tại Điểm d Khoản 7 Điều 3 của Nghị định 185/2013/NĐ-CP.

Để hạn chế tình trạng nhập lậu qua kênh này, bên cạnh việc tăng cường quản lý hàng hóa, quà biếu, tặng từ nước ngoài vào Việt Nam, thiết nghĩ, lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

 

Theo Khoẻ 365/GĐ&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Cư dân tại chung cư Hapulico tố bị hành hung

Trong những ngày gần đây, qua những kênh khác nhau, một số cư dân Chung cư Hapulico Complex (số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội) đã thể hiện sự bức xúc của mình đối với hoạt động của Ban quản trị chung cư và chủ đầu tư.