Sẽ tiến hành kiểm tra vào thời điểm thích hợp
Tại buổi làm việc với PV Pháp Luật Plus, ông Nguyễn Sĩ Bình, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 16 Quận Long Biên cho biết, hàng năm đều có kế hoạch kiểm tra định kỳ.
Đặc biệt với con phố Nguyễn Sơn, Đội Quản lý thị trường đều có những cuộc kiểm tra đột xuất, kịp thời khi có báo cáo hay phát hiện tình trạng buôn bán công khai hàng xách tay không tem nhãn trên con phố này.
Ông Nguyễn Sĩ Bình, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 16 Quận Long Biên.
Khi được hỏi về nội dung phản ánh hàng xách tay phố Nguyễn Sơn đã được đăng tải, ông Bình, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 16 cho rằng: “Sau bài phản ánh của Pháp Luật Plus, bên Đội Quản lý thị trường số 16 chưa có cuộc kiểm tra nào, bởi vì ngay sau khi bài được đăng tải không chỉ Đội quản lý thị trường đọc được mà các hộ kinh doanh trên phố Nguyễn Sơn cũng sẽ nắm bắt được thông tin và các đơn vị kinh doanh này sẽ nhanh chóng thực hiện cất giấu hàng hóa chính vì vậy nên chúng tôi sẽ lựa chọn thời gian thích hợp nhất để kiểm tra”.
Ông Bình cũng cho biết thêm: “Từ đầu năm đến nay, Đội đã tiến hành 22 đợt kiểm tra, thu giữ hơn 1300 sản phẩm hàng xách tay các loại, xử phạt hành chính lên đến 120 triệu, bên cạnh đó chúng tôi luôn luôn có những tổ công tác theo dõi tại con phố này.
Tuy nhiên hoạt động buôn bán ở đây chỉ có dấu hiệu giảm về số lượng các đơn vị kinh doanh xuống chứ chưa có dấu hiệu ngừng hoạt động, đặc biệt các đơn vị kinh doanh chuyển từ buôn bán công khai sang kinh doanh lén lút khiến cho công tác kiểm tra, quản lý gặp nhiều khó khăn để ngăn chặn triệt để”.
Các mặt hàng trộn lẫn giữa hàng nhập khẩu và hàng trôi nổi
Về công tác kiểm tra, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường Quận Long Biên thông tin:“Hiện tại theo giấy phép kinh doanh, trên phố Nguyễn Sơn có tất cả 33 đơn vị kinh doanh với đa dạng các mặt hàng từ quần áo, các loại nước hoa, mỹ phẩm, rượu đến thực phẩm chức năng,…
Tuy nhiên, khi Đội Quản lý thị trường tiến hành kiểm tra tại các cửa hàng này thì phát hiện các mặt hàng tại đây được trộn lẫn giữa hàng nhập khẩu chính tắc và hàng trôi nổi tức là những sản phẩm không tem nhãn được các chủ cửa hàng khẳng định là hàng xách tay chính hãng”.
Sản phẩm được bày bán tại một cửa hàng trên phố Nguyễn Sơn đều không có tem mác, và theo các chủ cửa hàng thì đây là hàng xách tay
Theo đó, khi tiến hành kiểm tra, các đơn vị kinh doanh họ có đưa ra những giấy tờ chứng thực việc nhập khẩu hàng hóa, và khi được hỏi về các sản phẩm không có tem nhãn tại cửa hàng thì các chủ kinh doanh cho biết họ không để tem nhãn trên sản phẩm vì sợ lộ những địa chỉ nhập khẩu hàng, ảnh hưởng đến cạnh tranh nguồn hàng và lợi nhuận kinh doanh.
“Các chủ cửa hàng luôn khẳng định đây là hàng xách tay, nhưng thực ra đây cũng chính là những lời nói, chiêu trò để đánh lừa người mua tin rằng đây là những mặt hàng chất lượng tốt, giá thành rẻ.
Không chỉ đánh lừa khách hàng, các cửa hàng kinh doanh tại phố Nguyễn Sơn luôn sử dụng chiêu trò bày bán các mặt hàng có tem nhãn mác để qua mặt những đợt kiểm tra của quản lý thị trường và sau đó là sự trà trộn của các sản phẩm không có tem nhãn, không được đảm bảo nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng”, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường Quận Long Biên cho biết.
Ông Nguyễn Sĩ Bình thông tin thêm: “Vì lợi nhuận các đơn vị kinh doanh này vẫn luôn lén lút buôn bán và khi bị phát hiện họ đều chấp nhận bị xử phạt, vì vậy tôi thấy với mức xử phạt hành chính hiện nay là 25 triệu đối với đơn vị kinh doanh các mặt hàng xách tay, hàng không tem nhãn là hợp lý”.
Sản phẩm được bày bán tại một cửa hàng trên phố Nguyễn Sơn đều không có tem mác, và theo các chủ cửa hàng thì đây là hàng xách tay.
Như trước đó,Pháp Luật Plus đã đăng tải thông tin về việc “thủ phủ” hàng xách tay Nguyễn Sơn hoạt động nhộn nhịp trở lại. Theo đó, sau đợt thanh tra của Cục Quản lý thị trường năm 2017, thì đến nay con phố Nguyễn Sơn đã hoạt động kinh doanh nhộn nhịp trở lại, các mặt hàng được bày bán ngày một đa dạng hơn từ quần áo, mỹ phẩm cho đến thực phẩm, thực phẩm chức năng,…
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin!
Hàng xách tay được xem là loại hàng hóa không có chứng từ nhập khẩu, phiếu gửi hàng không được xem là một loại chứng từ nhập khẩu do hàng hóa không thông qua kê khai hải quan.
Nói cách khác, kinh doanh “hàng xách tay” chính là kinh doanh hàng hóa trốn thuế, nhập lậu.
Chiếu theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP thì hàng hóa nhập lậu bao gồm:
- Hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật;
- Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu có điều kiện mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định kèm theo hàng hóa khi lưu thông trên thị trường;
- Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;
- Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;
- Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.
|