Giá vàng tại thị trường trong nước hiện đang được giao dịch ở ngưỡng sau:
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 43,15 triệu đồng/lượng (mua vào) và 43,45 triệu đồng/lượng (bán ra).\
Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Dân việt)
Mức giá trên tăng 80.000 đồng/lượng theo chiều mua vào và tăng 180.000 đồng/lượng theo chiều bán ra so với phiên giao dịch gần nhất.
Trong khi đó, giá vàng SJC giao dịch lẻ của Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức giá 43,16 triệu đồng/lượng (mua vào) và 43,35 triệu đồng/lượng (bán ra).
Mức giá trên tăng 90.000 đồng/lượng theo cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch gần nhất.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn chi nhánh Hà Nội hiện tại đang niêm yết vàng SJC ở mức: 43,00 triệu đồng/lượng (mua vào) và 43,37 triệu đồng/lượng (bán ra).
Mức giá trên tăng 50.000 đồng/lượng theo cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch gần nhất.
Tại thị trường thế giới, giá vàng đang được giao dịch tại ngưỡng 1.547,6 USD/ounce (Theo Kitco News).
Mức giá này tương đương khoảng 43,3 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo giá USD tự do, mức giá này tương đương với giá vàng SJC bán lẻ hiện hành tại thị trường trong nước.
Giá vàng thế giới biến động khá mạnh trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Iran tạm thời lắng dịu trong khi Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 nhưng sự bất định vẫn còn.
Mỹ và Trung Quốc đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 tại Nhà Trắng vào ngày hôm qua (15/1).
Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, nhiều nhà đầu tư vẫn chưa hết lo về thương chiến Mỹ-Trung. Nội dung thỏa thuận được công bố không nằm ngoài dự báo, và Mỹ vẫn đang áp thuế quan lên khoảng 360 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Vì lý do này, giá vàng thậm chí không giảm mà còn tăng sau khi thỏa thuận được ký.
Theo dự kiến, sau khi thỏa thuận giai đoạn 1 bắt đầu được thực thi, Mỹ và Trung Quốc sẽ bắt đầu đàm phán giai đoạn 2 - Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết.
Đây được cho sẽ là giai đoạn đàm phán khó khăn hơn nhiều so với giai đoạn 1, vì sẽ đề cập đến những vấn đề gai góc nhất trong quan hệ kinh tế Mỹ-Trung như công nghệ, an ninh mạng và trợ cấp công nghiệp.
Ở chiều ngược lại, tình hình tại Trung Đông có hạ nhiệt nhưng nếu Mỹ tung ra lệnh trừng phạt mới lên Iran có thể khiến kinh tế nước này lao dốc và qua đó tác động tiêu cực lên nền kinh tế toàn thế giới.