Google vinh danh cố hoạ sĩ tài danh Bùi Xuân Phái

01/09/2019 15:26

Kinhte&Xahoi “Google, Tập đoàn công nghệ thông tin đa quốc gia của Hoa Kỳ, đã dành tình cảm, vinh danh Bùi Xuân Phái, cha chúng tôi, nhân kỷ niệm 99 năm ngày sinh của ông”, Họa sĩ Bùi Thanh Phương, con trai cố họa sĩ tài danh Bùi Xuân Phái đã dành lời cảm ơn nhân ngày Google vinh danh họa sĩ Bùi Xuân Phái nhân ngày sinh của ông (01/9/1920 - 01/9/2019).

Google đã dành vinh danh đặc biệt cho họa sĩ tài danh này nhân ngày sinh của ông

Con trai cố nhạc sĩ xúc động: “Bùi Xuân Phái là một người yêu quê hương, yêu Hà Nội và là một tên tuổi trong ngành hội họa tại Việt Nam, với những tác phẩm đặc trưng góp phần vào sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Sự kiện Google tôn vinh ông với Doodle thiết kế đặc biệt nhân ngày sinh của ông là một hoạt động ý nghĩa không chỉ với gia đình mà còn đối với những người mến mộ ông, những người yêu văn hóa Việt Nam qua hình ảnh con phố cổ.

Thay mặt gia đình, tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm và tình cảm của quí vị đã vinh danh cha chúng tôi, danh hoạ Bùi Xuân Phái trên trang Google”.

Đúng 0h sáng 01/9, trang chủ của công cụ tìm kiếm phổ biến nhất thế giới Google đã vinh danh cố hoạ sĩ Bùi Xuân Phái nhân kỷ niệm 99 năm ngày sinh của ông (01/9/1920 - 01/9/2019) bằng biểu tượng Google Doodles.

Đây là lần thứ 2 Google Doodles vinh danh một người Việt Nam. Trước đó là cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhân dịp sinh nhật lần thứ 80 của ông.

Họa sĩ Bùi Xuân Phái đã dành phần lớn sự nghiệp của ông vẽ tranh phố cổ Hà Nội và đã trở thành biểu tượng nhớ thương của những ai yêu Hà Nội

Danh họa Bùi Xuân Phái sinh năm 1920 tại làng Kim Hoàng, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), sinh sống tại vài nơi thuộc phố cổ Hà Nội cho đến khi mất vào năm 1988. Ông theo học Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương từ năm 1941.

Trong sự nghiệp sáng tác của ông, bên cạnh chủ đề phố cổ được yêu thích làm nên thương hiệu “phố Phái” trong lòng công chúng, ông còn nổi tiếng với tranh về chủ đề sân khấu, khỏa thân và chân dung.

Ông được trao tặng nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, bao gồm Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật năm 1996; Giải thưởng triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1946 và 1980; Giải thưởng đồ họa Leipzig (Đức).

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus