Hà Nội: Có hay không việc bệnh viện "biết chuyện" cho hãng sữa làm trái quy định của Nghị định Chính phủ?

31/08/2018 09:06

Kinhte&Xahoi Nghị định số 100/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo đã có hiệu lực từ nhiều năm nay, thế nhưng, nhiều cơ sở y tế tại Hà Nội vẫn chưa chấp hành nghiêm túc!

Nghị định số 100/2014/NĐ-CP được ban hành để khắc phục những hạn chế, bất cập của Nghị định số 21/2006/NĐ-CP về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định của Luật quảng cáo, Luật an toàn thực phẩm và bảo đảm trẻ được bú mẹ - thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Thế nhưng, sau nhiều năm triển khai, nhiều quy định tại Nghị định vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Trong đó, khảo sát của nhóm Phóng viên Báo Đời sống và Tiêu dùng tại các bệnh viện lớn tại Hà Nội vẫn xuất hiện tình trạng bày bán, giới thiệu, quảng cáo… các sản phẩm sữa bột công thức cho trẻ em dưới 06 tháng tuổi, bình bú, vú ngậm và nhiều các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi.

Có hay không việc bệnh viện "biết chuyện" cho hãng sữa làm trái quy định của Nghị định Chính phủ?

Khảo sát tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (cơ sở 929 Đường La Thành, Hà Nội) tại khu vực căng tin bệnh viện, trên các kệ hàng, thoạt nhìn không hề có bất kỳ sản phẩm sữa bột cho trẻ dưới 6 tháng tuổi nào được bày bán.

Thế nhưng, trong vai khách hàng có nhu cầu tìm mua sản phẩm sữa này, khi hỏi nhân viên bán hàng tại đây thì không khó để có thể mua được. Ngay sau khi đặt vấn đề, nhân viên bán hàng nhanh nhảu cúi xuống ngăn bàn, lấy ra nhiều hộp sữa thuộc các hãng như Similac, NAN, Sữa Dê công thức DG-1. Cũng theo nhân viên tại đây cho biết, đây là các loại sữa được rất nhiều người sử dụng cho trẻ sơ sinh, vì các loại sữa này mát và dễ uống.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều loại sữa có mặt tại đây là loại sữa bột công thức dùng cho đối tượng sử dụng là trẻ em từ 0 đến 6 tháng tuổi.

Tại khu vực căng tin bệnh viện các sản phẩm bình bú, vú ngậm cũng được bày bán công khai, trong khi đây là các mặt hàng “nhạy cảm” được quy định rõ ràng về việc cấm bán sữa bột cho trẻ dưới 06 tháng tuổi, thức ăn cho trẻ dưới sáu tháng tuổi trong bệnh viện, ngoại trừ nhà thuốc của bệnh viện tại Nghị định số 100/2014/NĐ-CP.

 Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (cơ sở 929 Đường La Thành, Hà Nội)

Phóng viên có mặt tại Bệnh viện Đa Khoa Đức Giang (54, Trường Lâm, P. Đức Giang, Q. Long Biên, Tp. Hà Nội), tại đây, khảo sát trong khuôn viên bệnh viện có 5 khu căng tin, nhà chờ của người nhà bệnh nhân, tạp hóa. Khi hỏi mua các sản phẩm sữa bột công thức cho trẻ dưới 6 tháng tuổi thì có tới 3 cửa hàng hiện đang bày bán.

Theo một người bán hàng tại đây cho biết: Hàng tháng các hãng sữa thường cử người vào để cung cấp hàng, kiểm tra sữa cũng như chấm điểm xem “cửa hàng nào trưng bày đẹp nhất”.

Tình trạng tương tự cũng xuất hiện tại căng tin các bệnh viện như: Bệnh viện Đa khoa Đông Anh (1 Cao Lỗ, Đông Anh, Đông Anh, Hà Nội); Bệnh viện Thanh Nhàn (42 Thanh Nhàn, Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội); Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Km13+500 Quốc lộ 1A , Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội); Bệnh viện E (87, Trần Cung, P. Nghĩa Tân, Q. Cầu Giấy, Tp. Hà Nội)…

Tại các điểm nhóm Phóng viên Báo Đời sống và Tiêu dùng khảo sát, các sản phẩm sữa bột công thức cho trẻ dưới 6 tháng tuổi và các sản phẩm bình bú, vú ngậm nhân tạo… đều tập trung tại các căng tin, cửa hàng tiện ích do các công ty, đơn vị từ bên ngoài đấu thầu để kinh doanh dịch vụ tại các bệnh viện.

Hầu hết những nhân viên bán sản phẩm sữa bột công thức cho trẻ dưới 6 tháng tuổi khi được hỏi về thông tin sản phẩm, cách dùng đều “mù tịt” thông tin về công dụng, cách dùng, nguồn gốc… của các loại sữa. Nhiều nhân viên bán hàng còn không rõ sản phẩm là hàng nội hay nhập ngoại, nhập ngoại thì đến từ nước nào?!.

Không phát hiện,… không nắm được Nghị định?!

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Duy Ánh – Giám đốc bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: “Câu chuyện này không phải lần đầu tiên xảy ra tại Bệnh viện, nguyên tắc Bệnh viện là Bệnh viện không bán sữa cho trẻ em và Bộ Y tế quy định rất rõ là bệnh viện không được bán sữa, nếu phải cung cấp sữa cho các cháu thì cũng không có sữa cho không và phải mua ở quầy thuốc. Ở bệnh viện có quy trình cung cấp sữa cho trẻ .

Thông tin phản ánh tình trạng bán sữa trong bệnh viện là có thật và bệnh viện xin nhận lỗi, ngay sau phản ánh chúng tôi đã xuống tận nơi, lập biên bản nhắc nhở, cửa hàng họ cũng đã nhận lỗi và viết cam kết. Tuyệt đối là hạn chế đến mức tối đa, chỉ trường hợp nào bất khả kháng người mẹ dùng kháng sinh độc hại, người mẹ lâm vào tình trạng quá nặng không thể cho con bú lúc đấy mới đặt vấn đề pha sữa cho các cháu, phải có Khoa Sơ sinh là người pha sữa để chịu trách nhiệm về tính an toàn của sữa pha đấy”.

Tại Bệnh viện E, sau khi nhận được thông tin phản ánh của Phóng viên Báo Đời sống và Tiêu dùng, GS.TS Lê Ngọc Thành - Giám đốc Bệnh viện thông tin “Nguyên tắc của bệnh viện chỉ bán trong hiệu thuốc thôi, chắc hôm vừa rồi Bộ Y tế có chương trình dinh dưỡng trong bệnh viện, chưa hiểu là có bán ở đâu không thì không biết, chúng tôi chỉ đạo không được phép bán trong đó, nếu lằng nhằng sẽ cấm, chúng tôi đã kiểm tra ở các cửa hàng trong bệnh viện nhưng không có, nếu có sẽ cấm và dẹp ngay, nếu có trường hợp bán lậu trong đó thì các em thông cảm”.

Trái ngược với câu trả lời của lãnh đạo Bệnh viện E, trên thực tế trong quá trình khảo sát, nhóm phóng viên đã ghi nhận việc bán sữa bột công thức cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi diễn ra ngay tại một của hàng trong bệnh viện. Điều ngạc nhiên tại thời điểm ghi nhận bên trong cửa hàng có có rất nhiều các nhân viên bệnh viện cũng có mặt.

Như vậy dù Nghị định số 100/2014/NĐ-CP đã có hiệu lực và đi vào thực tiễn nhiều năm nay thế nhưng nhiều quy định của Nghị định đã dần bị “lãng quên”, nhất là tại các cơ sở y tế.

Trước sự việc trên đề nghị các cơ quan chức năng có trách nhiệm Quản lý nhanh chóng vào cuộc xác minh, làm rõ để đảm bảo thực thi đúng các quy định tại Nghị định. Tránh tình trạng các bệnh viện buông lỏng quản lý để cho hoạt động kinh doanh sữa tràn lan xảy ra ngay chính tại bệnh viện mình. Đồng thời, tuyên truyền, động viên khuyến khích các bà mẹ cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong vòng 6 tháng đầu.

Tại bài viết tiếp theo, nhóm PV Báo Đời sống Tiêu dùng sẽ tiếp tục cập nhập thông tin về việc thực hiện công tác tuyên truyền, động viên khuyến khích các bà mẹ cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong vòng 6 tháng đầu dưới góc nhìn của các chuyên gia, mời quý vị độc giả cùng đón đọc!

Điều 12, Chương IV, Nghị định số 100/2014/NĐ-CP nêu rõ về trách nhiệm của cơ sở y tế

1. Cơ sở y tế có trách nhiệm:

a) Tổ chức thực hiện các biện pháp tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ cho phụ nữ mang thai, bà mẹ có con nhỏ và thành viên trong gia đình họ;

b) Tổ chức tuyên truyền, treo pano, áp phích hoặc cho đăng phát hình ảnh có nội dung quy định tại Điều 4, Điều 5 Nghị định này tại phòng khám thai, phòng chờ sinh, phòng sau sinh, phòng tư vấn dinh dưỡng hoặc những nơi dễ quan sát, tập trung đối tượng phụ nữ mang thai, bà mẹ có con nhỏ và thành viên gia đình họ;

c) Tạo điều kiện để bà mẹ cho con bú sớm trong vòng 01 giờ đầu sau sinh, bú mẹ hoàn toàn trong 06 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú mẹ kéo dài đến 24 tháng hoặc lâu hơn.

2. Cơ sở y tế không được:

a) Tổ chức bán hoặc cho phép bán sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ tại cơ sở y tế, trừ nhà thuốc bệnh viện;

b) Cho phép cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ trưng bày, niêm yết bất kỳ vật dụng, thiết bị nào có tên hoặc biểu tượng của sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ, bình bú, vú ngậm nhân tạo tại cơ sở y tế;

c) Cho phép nhân viên của cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ tiếp cận với bà mẹ có con nhỏ, phụ nữ mang thai dưới mọi hình thức;

d) Nhận sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ; lợi ích vật chất; vật dụng có tên hoặc biểu tượng của sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ do cơ sở sản xuất, kinh doanh tặng.

 

 

Theo Đời sống và Tiêu dùng/KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM