Hà Nội: "Loạn" mỹ phẩm không tem nhãn tại chuỗi cửa hàng Coco Shop, Skin House

14/10/2019 11:30

Kinhte&Xahoi Coco Shop, Skin House đều là những hệ thống cung cấp mỹ phẩm được giới trẻ ưa chuộng tại Việt Nam. Tuy nhiên, rất nhiều sản phẩm được bày bán tại hệ thống các cửa hàng mỹ phẩm nhập khẩu này lại không có tem nhãn phụ bằng Tiếng Việt theo quy định pháp luật. Liệu phải chăng những sản phẩm này đang có sự “mập mờ” về chất lượng, “nói dối” người tiêu dùng?

Hàng nhập khẩu nhưng không có tem nhãn phụ?!

Coco Shop hiện đang là hệ thống mỹ phẩm lớn nhất nhì Hà Nội với 7 cơ sở, bao gồm: Chùa Bộc; Cầu Giấy; Nguyễn Trãi; Bà Triệu; Giảng Võ; Nguyễn Văn Cừ, Hạ Long; Yên Mỹ, Hưng Yên. Với trang Facebook cùng tên, Coco Shop có đến hơn 1 triệu lượt like, đồng thời có mặt trên các trang mạng xã hội khác như: Instagram và shopee.

Coco Shop cơ sở Chùa Bộc.

Mặc dù là một hệ thống mỹ phẩm nổi tiếng, tuy nhiên các sản phẩm tại hệ thống Coco Shop đang bày bán lại không hề có tem nhãn phụ đề tiếng Việt.

Để tìm hiểu về tình trạng này, nhóm PV Pháp Luật Plus đã vào vai người mua hàng, tìm đến các cơ sở của Coco Shop trên địa bàn thủ đô Hà Nội.

Một điều có thể thấy rõ là các cơ sở của Coco Shop đều có cơ sở vật chất khá hoành tráng, bày bán đa dạng các mặt hàng như kem chống nắng, dầu gội, dầu xả, phấn trang điểm, nước tẩy trang,… . Đặc biệt, tất các loại mặt hàng đều có nguồn gốc từ nhiều quốc gia khác nhau như: Nhật, Hàn, Pháp, Nga,…

Ghi nhận tại cửa hàng Coco Shop số 208 Nguyễn Trãi và số 80 Chùa Bộc, có rất nhiều những sản phẩm được nhân viên cửa hàng khẳng định là hàng nhập khẩu nhưng lại không hề có tem nhãn hoặc tem nhãn là những dòng chữ số in đen trắng đơn giản và chữ trên sản phẩm toàn “chữ trên trời”?!

Khách mua hàng đều được nhân viên tư vấn nhiệt tình, giới thiệu rất nhiều loại sản phẩm khác nhau.

Cụ thể, khi được hỏi về hộp phấn Misha vỏ đỏ của Hàn Quốc được bày bán tại cửa hàng lại không có tem hay nhãn mác, nhân viên tại cửa hàng Coco Shop Nguyễn Trãi giải thích:“Mặt hàng này bên em là hàng nhập khẩu không qua công ty, tức là nhập trực tiếp từ bên Hàn. Nếu qua công ty thì sẽ như sản phẩm này có tem phụ, nhãn mác. Chất lượng hai cái này như nhau cả, nhà em chỉ bán hãng chính hãng. Một số sản phẩm của Loreal hay Maybeline  thì sẽ qua công ty ở Sài Gòn, người ta sẽ đóng tem rồi chuyển qua đây.”

Khi phóng viên tỏ ra e ngại về sản phẩm kem chống nắng Skin Aqua được bán tại cửa hàng không có tem nhãn hay phụ đề tiếng Việt, nhân viên Coco Shop tại số 80 Chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội đã khẳng định:“Kem chống nắng này là hàng công ty, có công ty tại Việt Nam in lại tem và phụ đề tiếng Việt. Nó là hàng nội địa nhưng bên công ty nhập về, thì nhà mình nhập qua công ty đấy. Công ty đấy sẽ bán hai loại, một là hàng nhập, một loại là hàng có tem tiếng Việt. Thì thường những hàng đấy thì thường sẽ được sản xuất tại Trung Quốc để cho chi phí rẻ nhất, họ có nhà máy tại Trung Quốc. Còn nếu bạn mua ở bên Pháp, thì sẽ đắt hơn rất là nhiều mà chất lượng thì vẫn như nhau.”

Nhiều sản phẩm "thiếu" tem nhãn phụ Tiếng Việt.

Sản phẩm lúc là hàng xách tay khi lại là hàng nhập khẩu?!

Tại cơ sở của Coco Shop ở 136 Cầu Giấy, Hà Nội cũng với tình trạng tương tự. Khi tìm hiểu, PV có hỏi về một loại kem chống nắng thì được nhân viên cho biết là nhập từ Hàn Quốc, nhưng cũng không có tem phụ ghi Tiếng Việt.

Trao đổi thêm về cách sử dụng, nhân viên cửa hàng nói :“Kem chống nắng chỉ bôi trước 15-20 phút trước khi ra ngoài, còn không có cách sử dụng.”?!

Hoặc khi được hỏi về nhãn mác, tem phụ của một loại sản phẩn lăn nách, nhân viên bán hàng lờ đi, không trả lời câu hỏi và đánh trống lảng sang đề tài khác. Và đến khi được hỏi về rủi ro khi sử dụng sản phẩm, nhân viên bán hàng chỉ cười và quay mặt đi, không thể đưa ra một lời giải thích hợp lí cho khách hàng?!

Cùng 1 sản phẩm nhưng được nhân viên bán hàng ở Coco Shop (136 Cầu Giấy) giới thiệu lúc là hàng xách tay khi lại là hàng nhập khẩu.

Đặc biệt, cũng tại cơ sở này, khi chúng tôi ngỏ ý hỏi những sản phầm này là hàng xách tay hay hàng nhập khẩu, câu trả lời của nhân viên bán hàng không đồng nhất. Lúc thì nói sản phẩm của Coco Shop (136 Cầu Giấy) là toàn hàng nhập khẩu, nhưng khi giới thiệu đến chúng tôi loại "Nước thần SKII" thì một mực khẳng định đó là hàng xách tay?!

Để khẳng định với khách hàng sản phẩm tại Coco Shop (136 Cầu Giấy) là hàng nhập khẩu, nhân viên bán hàng còn "bồi" thêm: "Tất cả hàng bên em đều là hàng nhập khẩu, nếu là hàng xách tay thì sẽ không thể xuất hóa đơn giá trị gia tăng. Cửa hàng bên em cũng thường xuyên có cơ quan chức năng kiểm tra. Thiếu tem nhãn phụ Tiếng Việt trên sản phẩm là do cửa hàng bên em nhiều sản phẩm mà nhân viên lại ít, nếu dán hết thì sẽ phải đóng cửa 1 ngày."?!

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn lấy hóa đơn giá trị gia tăng, nhân viên thu ngân của cửa hàng Coco Shop (136 Cầu Giấy) cho biết: "Tất cả các sản phẩm bên em đều có thể xuất được hóa đơn VAT (hóa đơn giá trị gia tăng - PV). Hóa đơn sẽ có sau 2-3 ngày."

Liệu chăng có sự "mập mờ" ở đây khi giới thiệu nguồn gốc sản phẩm? Cùng một sản phẩm, khi thì là hàng xách tay, khi lại là hàng nhập khẩu? Thường xuyên có cơ quan chức năng kiểm tra nhưng lại có tới 2/3 sản phẩm trong cửa hàng thiếu tem nhãn phụ Tiếng Việt?

Có tới 2/3 sản phẩm tại Coco Shop (136 Cầu Giấy) "thiếu" team nhãn phụ Tiếng Việt.

"Hóa đơn mua hàng có nhưng là bên quản lý phụ trách"?!

Tiếp tục quá trình tìm hiểu các loại mỹ phẩm không tem nhãn phụ, nhóm PV tìm đến 1 cửa hàng chuyên bán mỹ phẩm khác với tên gọi Skin House.

Skin House hiện tại có 4 cơ sở trên địa bàn Hà Nội là: Chùa Bộc, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Trãi, Trần Đại Nghĩa,... với hơn 100 nghìn lượt like trên Facebook.

Đến với Skin House 16 Nguyễn Phong Sắc, Hà Nội. Cửa hàng không to và hoàng tráng, lượng khách cũng không đông như Coco Shop, và với cùng một câu hỏi tại sao không các sản phẩm ở đây không có tem, nhãn phụ, nhân viên Skin House trả lời: “Đây là hàng xách tay chị ạ, không phải hàng công ty. Hóa đơn mua hàng bên em có nhưng sẽ là bên quản lý phụ trách.”

Vậy ai là người chứng minh đây là những sản phẩm chính hãng, được “xách tay” về Việt Nam?!

“Mua hàng vì 'shop' nổi tiếng”?!

Theo như quan sát của nhóm phóng viên, tất cả các cửa hàng của chuỗi mỹ phẩm Coco Shop và Skin House đều rất đông khách.

Khi được hỏi, một khách hàng đang mua mỹ phẩm tại quán cho biết: “Em mua hàng ở đây vì shop (cửa hàng – PV) này to và nổi tiếng thôi, chứ em cũng không biết là có phải hàng chính hãng hay không. Hàng fake (giả - PV) bây giờ họ làm tinh vi lắm, kiểm tra code cũng không ra đâu.” 

Điều đáng nói, mỹ phẩm nhái bây giờ rất tinh vi, đạt đến độ tinh xảo khiến người mua hàng nếu không phải là người am hiểu về mỹ phẩm, những khách hàng bình thường sẽ rất dễ dàng “sập bẫy”.

Mỹ phẩm từ lâu đã trở thành “người bạn” thân thiết của nhiều cô gái, đây cũng rở thành “mảnh đất” màu mỡ cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay có quá nhiều loại mỹ phẩm được chào bán tràn lan mà người tiêu dùng như lạc vào “ma trận” của các nhãn hiệu.

Skin House - 19 Nguyễn Phong Sắc.

Sản phẩm “đeo” mác nổi tiếng, được bán trong những cửa hiệu nổi tiếng nhưng không có thông tin chỉ dẫn, chẳng có hướng dẫn sử dụng, bảng thành phần… Liệu những mỹ phẩm này có đảm bảo cho người tiêu dùng. Và những cửa hiệu bán mỹ phẩm nổi tiếng có thể “đảm bảo” những sản phẩm được họ bày bán hoàn toàn là sản phẩm an toàn?

Đề nghị cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, kiểm tra để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

2. Cách lập một số tiêu thức cụ thể trên hóa đơn

a) Tiêu thức “Ngày tháng năm” lập hóa đơn
Ngày lập hóa đơn đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Ngày lập hóa đơn đối với cung ứng dịch vụ là ngày hoàn thành việc cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ thực hiện thu tiền trước hoặc trong khi cung ứng dịch vụ thì ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền.

Trích Điểm a Khoản 2 Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC 

Theo quy định tại Điều 7, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Nhãn hàng hóa quy định hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng Tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng Tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng Tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

Theo Khoản 1, Điều 26 Nghị định số 80/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5.000.000 đồng:

+ Hàng hóa có nhãn (kể cả tem hoặc nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa

+ Hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng Tiếng Việt Nam.

 

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục đưa tin!


 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus