Gần 10 ngày qua, tại khu vực bãi ngao của người dân xã Hải Lộc (huyện Hậu Lộc) và xã Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa) nằm ven cửa biển Lạch Trường, đột nhiên ngao thịt, ngao giống chết hàng loạt không rõ nguyên nhân.
Lượng ngao chết bất thường tại Hải Lộc, Hoằng Trường nặng nề nhất trong nhiều năm qua.
Nhiều gia đình phải cầm cố tài sản nhà cửa, vay vốn ngân hàng để đầu tư ngao giống, hiện đứng trước nguy cơ phá sản, trắng tay. Thiệt hại toàn xã ước tính lên tới hàng trăm tỉ đồng. Nhiều hộ mất trắng bãi ngao, thiệt hại hàng tỉ đồng không có cách cứu vãn.
Anh Phạm Văn Ba (thôn Lộc Tiên, xã Hải Lộc), một trong những người có diện tích nuôi ngao lớn nhất, cho biết: "
Ngao chết hàng loạt từ hai đầu bãi chết lan dần vào các bãi bên trong. Rất nhiều hộ chết tới hơn 90%, những hộ chết ít thì cũng mất tới 60% lượng ngao trên bãi.
Ngao chết lần này còn thiệt hại nặng nề hơn vụ bị doanh nghiệp đổ hóa chất ra biển gây chết ngao hàng loạt vào tháng 12/2016. Hiện bãi nuôi của gia đình tôi ước tính thiệt hại trên 3 tỉ đồng".
Tương tự, tại bãi ngao của gia đình ông Nguyễn Văn An, là người đầu tiên đưa thành công ngao giống sinh sản về nuôi tại địa phương, cũng thiệt hại trên 2 tỉ đồng.
Ông An cho biết, khi phát hiện ngao chết hàng loạt, ông đã mang thiết bị ra đo nồng độ nước biển, thấy độ mặn lên cao bất thường trên 35g/1000ml nước biển. Ngưỡng độ mặn vượt quá mức sinh tồn của loài ngao, khả năng được cho là nguyên nhân gây ngao chết hàng loạt.
Ngoài việc ngao chết, các hộ dân vẫn phải mất chi phí dọn bãi để tiếp tục nuôi trồng
Nhiều năm qua, người dân nuôi ngao Hải Lộc từng khốn đốn vì ngao nuôi liên tục chết hàng loạt. Có năm thì do tảo độc, do bùn lũ do mưa bão phủ quá dày, có năm lại do doanh nghiệp lén đổ chất thải độc hại ra biển...Nhưng lần này, thiệt hại được xem là lớn nhất.
Tại bãi ngao xã Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa), lượng ngao chết còn nặng nề hơn; có hộ đã chết hoàn toàn bãi ngao.
Ông Nguyễn Quốc Tý, Chủ tịch UBND xã Hải Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) cho biết, khi xảy ra sự việc, UBND xã đã nắm bắt thông tin và thống kê thiệt hại đồng thời báo cho cơ quan chức năng thực hiện lấy mẫu nước xét nghiệm nhằm tìm ra nguyên nhân. Tại xã Hải Lộc, với 171 hộ nuôi ngao với tổng diện tích 170ha, nhiều hộ dân đã chết 100% lượng ngao, phần lớn các hộ bị chết ngao rơi vào 60% - 70%.
Trong khi chờ cơ quan chức năng kết luận nguyên nhân, nhiều gia đình xã Hải Lộc đã chờ khi nước thủy triều rút hết, liền bơm nước từ cửa sông Lạch Trường lên bãi ngao, nhằm làm giảm độ mặn, giúp ngao hồi sức. Cách cứu ngao thủ công này đã giúp nhiều chỗ ngao hồi sinh được vài phần.
Theo Phapluatplus