Không để phương tiện kinh doanh vận tải vi phạm tốc độ “nhờn” luật

07/09/2023 09:14

Kinhte&Xahoi Trung bình mỗi tháng có khoảng 700-800 phương tiện kinh doanh vận tải bị Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội thu hồi phù hiệu, biển hiệu do vi phạm tốc độ chạy xe. Nhưng, không ít phương tiện ngay sau khi hết án phạt tiếp tục tái phạm. Cũng không ít doanh nghiệp có hàng chục phương tiện vi phạm mỗi tháng mà vẫn không khắc phục... Phải chăng, chế tài chưa đủ sức răn đe nên doanh nghiệp và người lái xe “nhờn” luật?

Lực lượng chức năng lập biên bản một xe khách vi phạm tại quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Tuấn Anh

Chạy quá tốc độ như… cơm bữa

Ngày 30-8 vừa qua, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã ban hành quyết định thu hồi phù hiệu, biển hiệu đối với 750 phương tiện của 239 đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, do vi phạm tốc độ, từ thông tin của Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình trong tháng 7-2023. Đây là các phương tiện trong 1 tháng có từ 5 lần vi phạm tốc độ tính trên 1.000km xe chạy (không tính các trường hợp vi phạm tốc độ từ 5km/giờ trở xuống) theo quy định.

Trong danh sách trích xuất dữ liệu có phương tiện vi phạm tới hàng nghìn lần trong 1 tháng. Điển hình là xe đầu kéo mang biển kiểm soát 37H-040.56 của Hợp tác xã ô tô Trường Hải vi phạm 1.449 lần; xe đầu kéo mang biển kiểm soát 37C-308.75 của Hợp tác xã ô tô Trường Hải vi phạm 1.198 lần. Tổng cộng, hợp tác xã này có tới 50 phương tiện vi phạm tốc độ trong tháng 7-2023. Đứng thứ 2 trong danh sách này là Hợp tác xã vận tải Đô Thành, có 32 xe mang phù hiệu “xe hợp đồng” vi phạm, trong đó có xe vi phạm tới 784 lần/tháng.

Trước đó, cũng qua trích xuất dữ liệu của Cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã thu hồi phù hiệu của 816 phương tiện trong tháng 5-2023 và 848 phương tiện trong tháng 6-2023, cùng do lỗi vi phạm tốc độ.

Điều đáng nói là rất nhiều xe tái phạm liên tục. Xe đầu kéo biển kiểm soát 37H-040.56 của Hợp tác xã ô tô Trường Hải trước khi bị thu hồi phù hiệu do vi phạm 1.449 lần trong tháng 7-2023, đã bị thu hồi phù hiệu do vi phạm 1.253 lần trong tháng 5-2023. Hợp tác xã này trong tháng 5-2023 cũng có tới 58 phương tiện và tháng 6-2023 có 38 phương tiện bị thu hồi phù hiệu.

Không chỉ xe tải, xe khách, rất nhiều xe taxi cũng nằm trong danh sách bị thu hồi phù hiệu do vi phạm tốc độ. Như Công ty TNHH Vận tải Việt Thanh, trong tháng 7-2023 có 7 xe bị thu hồi phù hiệu. Trong đó, xe taxi biển kiểm soát 30G-155.69 vi phạm 134 lần; xe biển kiểm soát 29E-003.54 vi phạm 58 lần.

Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Đào Việt Long cho biết, Sở đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải có phương tiện vi phạm nộp lại phù hiệu, biển hiệu; kiểm điểm, chấn chỉnh bộ phận theo dõi an toàn giao thông.

Cần xử phạt theo hướng tăng nặng

Thực tế cho thấy, dù cơ quan chức năng đã xử phạt, thu hồi phù hiệu, nhưng vi phạm vẫn diễn ra phổ biến. Nhiều phương tiện tái phạm, nhiều doanh nghiệp tháng nào cũng có hàng chục xe vi phạm. Phải chăng doanh nghiệp và lái xe “nhờn” luật?

“Không ít vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra mà một phần nguyên nhân là do người lái xe không tuân thủ quy định giới hạn tốc độ. Thậm chí nhiều phương tiện gây tai nạn khi đang tắt thiết bị giám sát hành trình, trốn tránh việc truyền dữ liệu. Để hạn chế thương vong do những “hung thần” xa lộ gây ra cần xử lý nghiêm vi phạm; đồng thời sớm sửa đổi quy định chế tài theo hướng tăng nặng để thêm sức răn đe” - ông Nguyễn Đức Cương (Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên) kiến nghị.

Một số ý kiến cho rằng, với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải có nhiều phương tiện vi phạm, cơ quan chức năng cần kiểm tra toàn diện, có thể thu hồi giấy phép kinh doanh nếu không khắc phục được. Với lái xe nhiều lần vi phạm, cần xem xét tước giấy phép lái xe vĩnh viễn.

GS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường Đại học Giao thông - Vận tải cho rằng, vi phạm tốc độ, vi phạm nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm, không thắt dây an toàn và sử dụng điện thoại di động khi lái xe là 5 yếu tố có nguy cơ cao gây tai nạn. Để hạn chế tai nạn giao thông có nguyên nhân từ vi phạm tốc độ, nên tích hợp các quy định trong 1 văn bản; cho phép chính quyền địa phương chủ động tổ chức giao thông và kiểm soát tốc độ trên địa bàn. Cơ quan chức năng cần quy định thống nhất tốc độ khu vực đô thị và khu vực đông dân cư ở mức 50km/giờ với tất cả các loại đường; thống nhất nguyên tắc biển báo tốc độ chỉ áp dụng với xe con tiêu chuẩn. Xe khách có tốc độ giới hạn thấp hơn xe con 10km/giờ, và xe tải có tốc độ giới hạn thấp hơn xe khách 10km/giờ...

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu giảm tốc độ 5% thì số vụ va chạm giao thông nghiêm trọng giảm tới 30%. Tải trọng xe càng lớn, tốc độ càng cao thì hậu quả khi có va chạm càng lớn. Bởi vậy, các loại phương tiện có kích thước lớn, tải trọng lớn như xe tải, xe khách thường có giới hạn tốc độ thấp hơn xe con trên cùng một tuyến đường.

 Tuấn Khải - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Hà Nội mớihttps://hanoimoi.vn/khong-de-phuong-tien-kinh-doanh-van-tai-vi-pham-toc-do-nhon-luat-640189.html