Kỳ 1: Đưa thông tin sai sự thật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

21/05/2020 14:24

Kinhte&Xahoi Thời gian qua, lợi dụng những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều cá nhân đã đưa ra những thông tin sai sự thật, giật gân, câu like trên các trang mạng xã hội.

Hành vi này không chỉ làm nhiễu loạn thông tin, tạo tâm lý hoang mang mà còn gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch. Gần 1000 trường hợp tung tin sai sự thật đã bị xử lý, nhưng có lẽ từ khi Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, thì đây được coi như một “liều thuốc” đặc trị những đối tượng này...

Khúc Thị P. T đang làm việc với cơ quan điều tra

Trong khi Chính phủ, Bộ Y tế cùng toàn xã hội ra sức phòng chống, đẩy lùi dịch Covid-19 thì có không ít cá nhân cố tình đưa những thông tin sai sự thật liên quan đến dịch bệnh để câu like, tìm thêm sự tương tác với mục đích bán hàng hoặc đơn giản chỉ là đọc thấy hay thì chia sẻ.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều người đã vội vàng lấy lại những thông tin trôi nổi trên mạng xã hội làm phong phú trang cá nhân của mình, vô tình trở thành công cụ phát tán truyền tải thông không đúng sự thật, gây nhiễu loạn, bất ổn dư luận. Chỉ đến khi bị xử phạt, số người này mới hiểu ra việc chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội là vi phạm pháp luật.

Nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang dư luận

Đó là trường hợp của chị Khúc Thị P. T, SN 1984 ở phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội đưa thông tin sai sự thật về bệnh nhân nhiễm Covid-19 Nguyễn Hồng Nhung. Khúc Thị P.T sử dụng tài khoản facebook “Khuc Phuong Thuy”, là tài khoản cá nhân của mình, đăng tải thông tin có nội dung: “Em gái Nhung đi quẩy ở số 3 Tạ Hiện; đi khai trương Uniqlo Hnoi; đi chơi nhà bạn ở T18 Time; có người yêu ở Hapulico Vũ Trọng Phụng. Thôi toang cả Hà Nội luôn rồi mong mọi thứ qua nhanh …” Kèm theo là hình ảnh những nơi mà bệnh nhân Nhung đã đi qua khiến dư luận hoang mang.

Giải trình với CA quận Đống Đa về việc làm của mình, chị P.T cho biết sau khi đọc được bài viết trên mạng xã hội nói về việc chị Nguyễn Hồng Nhung, là bệnh nhân số 17 nhiễm Covid -19 nhưng không báo với chính quyền, không tự cách ly mà còn đi nhiều nơi nên cảm thấy rất bức xúc. P.T đã copy toàn bộ nội dung bài viết kể trên và đăng tải trên trang cá nhân của mình vào rạng sáng 7-3-2020.

Ngày hôm sau, được một số người cho biết và trên phương tiện thông tin đại chúng đưa tin bệnh nhân Nguyễn Hồng Nhung sau khi nhập cảnh về sân bay Nội Bài đã tự cách ly tại nhà và sau đó đến bệnh viện Hồng Ngọc khám bệnh. Thấy nội dung bài viết mình đăng tải không đúng sự thật nên chị P.T đã xóa toàn bộ bài viết trên. Tuy nhiên, thông tin do chị P.T đăng tải đã được rất nhiều người vào đọc và chia sẻ.

Ngày 12-3-2020, Đội an ninh CA quận Đống Đa, Hà Nội đã tiến hành làm việc với chị P.T. Tại buổi làm việc, chị P.T trình bày mục đích đăng tải lại thông tin trên, là mong muốn bạn bè và người thân biết, không đến những nơi mà bệnh nhân số 17 đã xuất hiện để tránh bị lây nhiễm.

Tại CQCA, Khúc Thị P.T. nhận thức được việc đăng tải bài viết không đúng sự thật về chị Nhung lên tài khoản cá nhân là không đúng sự thật.

“Việc cung cấp thông tin sai sự thật lên mạng xã hội của chị P.T đã vi phạm Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện...”, Trung tá Chu Nhất Lâm, Đội trưởng Đội an ninh CA quận Đống Đa, Hà Nội thông tin.

Cũng giống như chị P.T, chị Vũ Thị L.A, SN 1987 ở tổ 4 phường Mai Dịch, Q. Cầu Giấy cũng vì đưa thông tin sai lệch mà bị cơ quan chức năng xử lý. Vậy pháp luật quy định như thế nào về các trường hợp này?

Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự

Luật sư Lại Thị Trang (thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Luật Công nghệ thông tin, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự cũng có những quy định về vấn đề này. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong lĩnh vực dân sự: Căn cứ Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân và quy định tại Điều 584, từ Điều 589 đến Điều 592 Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, thì cá nhân bị xâm phạm có quyền yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, yêu cầu đính chính, xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại.

Về xử phạt hành chính: Khoản 3, Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP xử phạt VPHC trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin quy định, Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

Xử lý hình sự: Nếu xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt và tin đồn đó có tính chất vu khống thì theo quy định tại Điều 156 BLHS 2015 có thể phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm về tội Vu khống. Ngoài ra, Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Cá nhân khi danh dự, nhân phẩm của mình bị xâm hại cần có đơn khiếu nại gửi đến đơn vị này hoặc cơ quan công an nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc https://phapluatxahoi.vn/ky-1-dua-thong-tin-sai-su-that-co-the-bi-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-193686.html