Giữa tâm điểm dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới còn trong nước thì thông tin về số ca nhiễm được phát hiện và đưa đi điều trị luôn thu hút sự chú ý của người dân mọi miền tổ quốc. Và nhất là trong khi cả thế giới chưa sản xuất được vắc-xin phòng chống căn bệnh này thì mỗi khi nghe ngóng được một cách thức nào để phòng và chữa căn bệnh này, người ta đều chia sẻ cho nhau.
Phạm Thu H. đang làm việc với cơ quan an ninh
Thậm chí là có thời điểm chỉ vì thông tin rỉ tai nhau mà người ta kéo nhau đi mua thuốc tây tích trữ, để phòng lúc người thân trong gia đình chẳng may lây nhiễm. Thế nhưng việc đưa thông tin không rõ nguồn gốc hay chưa được kiểm chứng đúng sai với lời lẽ khẳng định có chiều hướng định hướng dư luận, lên mạng xã hội và chia sẻ công khai cho nhiều người lại là hành vi vi phạm pháp luật.
Lòng tốt đặt nhầm chỗ
Điển hình là trường hợp chị Phạm Phương D., SN 1995 ở Láng Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội. Chị Phương D. bị xử phạt về hành vi phát tán thông tin về phác đồ điều trị dịch covid -19. Tại cơ quan công an, chị trình bày: Vào lúc 22g ngày 27-1-2020, tại nơi ở của mình, chị lên mạng xã hội xem tin tức và tình cờ đọc được bài viết có nội dung hướng dẫn cách chữa trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới gây ra.
Thấy thông tin hay, chi Phương D. đã sao chép nguyên văn bài viết trên và đăng tải lên tài khoản facebook cá nhân của mình. Để thu hút sự chú ý của mọi người, Phương D. còn cho in đậm dòng chữ tiêu đề: “Bạn muốn là người sống sót trong con số 90% sau khi bị nhiễm Vũ Hán thì hãy làm đúng sau đây”.
Theo lời chị Phương D., mục đích đăng tải là đề phòng dịch và mong muốn sự chia sẻ của mình cho bạn bè, người thân được biết mà thực hiện. P.D thừa nhận mình không có nghiệp vụ về y khoa cũng như không hiểu biết gì về cách điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona gây ra. Do thời gian đăng tải thông tin trên diễn ra trước đó 1 tháng nên chị Phương D. không nhớ tài khoản nào đã vào để sao chép thông tin.
Sau khi nghe các trinh sát Đội an ninh CA quận Đống Đa phân tích, giảng giải và đối chiếu với chỉ dẫn của Bộ Y tế, chị Phương D. nhận thức được việc đăng tải bài viết trên là sai, không căn cứ và không có cơ sở để điều trị bệnh nên đã đồng ý ký vào biên bản xử phạt.
Giống như chị Phương D., chị Phạm Thu H., SN 1993 ở Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm cũng vì đăng tải thông tin điều trị bệnh Covid-19 lấy từ nguồn tin trôi nổi, sai sự thật nên bị xử lý hành chính.
Theo lời chị T.H thì do tính chất công việc của mình là bán quần áo dưới hình thức truyền thống và cả online nên chị thường đưa lên mạng xã hội những mẫu mã quần áo mới về để bán hàng.
Nhằm thu hút nhiều người vào đọc trang cá nhân của mình, chị Thu H. cũng thường xuyên chia sẻ những tin nóng, giật gân. Khoảng 10g ngày 7-3-2020, chị Thu H. đã đăng tải trên trang cá nhân của mình bài viết có nội dung hướng dẫn mọi người dùng nước biển để điều trị bệnh viêm đường hô hấp do chủng virus corona gây ra.
“Hiểu Covid-19 để chung tay vượt qua dịch bệnh nhé, cả nhà. Cách chữa ở nhà nếu không có điều kiện truyền nước biển. Bạn chỉ cần làm đúng như trên - đa số bạn sẽ khỏi trong 5 ngày là 99%”, là nội dung mà chị Thu H. đã đăng tải để gây sự chú ý.
Bản thân không có nghiệp vụ y khoa và cách làm của mình không đúng với hướng dẫn điều trị bệnh dịch do Bộ Y tế nhưng vì nghĩ nước biển cũng có tác dụng sát khuẩn như nước muối nên chị Thu H. đã đăng tải bài viết trên với mong muốn chia sẻ cho mọi người cách phòng chống và chữa khỏi virus corona bằng cách truyền nước biển và cách điều trị trong điều kiện không có nước biển để truyền. Chị Thu H. thừa nhận ngoài ra còn có mục đích để thu hút nhiều người vào trang cá nhân cuả mình.
Dòng tin sai sự thật trên mạng sẽ bị trả gia bằng “tiền mặt”
Trao đổi với PV báo PL&XH, Trung tá Nguyễn Tiến Đạt, Phó Trưởng CA quận Đống Đa cho biết: Sau khi được gọi lên làm việc, đa số những trường hợp vi phạm đều nhận thức được việc làm của mình là sai trái nên đã tự nguyện khai báo, thành khẩn nhận lỗi và kịp thời gỡ bài viết để làm giảm hậu quả xảy ra.
Trung tá Nguyễn Tiến Đạt, Phó Trưởng CA quận Đống Đa (ngoài cùng bên phải): Người dân cần phải thận trọng, cân nhắc trước khi dẫn tải về trang cá nhân cuả mình
“Việc đăng tải thông tin trôi nổi, sai sự thật kể trên đều vi phạm về Nghị định 174/2013/NĐ-CP xử phạt VPHC trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin quy định, mức phạt tiền theo qui định từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng”, Trung tá Đạt cho biết.
Theo Trung tá Nguyễn Tiến Đạt thì giữa thời điểm nhà nhà, người người dùng mạng xã hội như hiện nay, người dân cần phải thận trọng, cân nhắc trước khi dẫn tải về trang cá nhân cuả mình những thông tin từ những nick name ảo và của người lạ; Chỉ nên lấy thông tin có nguồn rõ ràng, đã được kiểm chứng; Không nên chia sẻ thông tin theo cảm tính hoặc sa đà vào những tin tức trái chiều để rồi bị lợi dụng, trở thành công cụ tiếp tay cho kẻ xấu.
(Còn nữa)