Ảnh minh họa
Không phải ngẫu nhiên mà ở bất kỳ điểm thiện nguyện nào, người ta cũng thấy cùng với những tấm biển ấm tình người, là những nhắc nhở nhỏ như “Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác”, “chỉ dành cho người thật sự khó khăn, xin cảm ơn"…
Bởi thực tế trong những ngày vừa qua cho thấy, vẫn đâu đó bắt gặp hình ảnh nhiều người, nhìn quần áo, giày dép và đồ trang sức mang trên người, chắc chắn họ không nghèo, không phải đến mức thiếu ăn, thiếu mặc nhưng vẫn sà vào bàn phát tặng để “xin” một gói quà. Hoặc đã mua đủ đồ tại chợ nhưng đi qua nhìn thấy bàn phát thực phẩm miễn phí cho người nghèo vẫn “tạt” vào để lấy thêm túi đồ miễn phí… Ví như những ngày qua, máy "ATM nhả gạo" miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn (đường Vườn Lài, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) đã lan tỏa nhiều hơn đến cộng đồng, được người dân ủng hộ. Tuy nhiên, có một số người và nhóm người đã lợi dụng lòng từ tâm của tổ chức từ thiện cố tình nhận nhiều lần gạo trong ngày để trục lợi.
Đây thực sự là nét vẽ xấu xí trên bức tranh đậm sự tử tế của tình người. Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên những hiện tượng như vậy xảy ra. Đã từng có việc hòm tiền từ thiện để mỗi người khó khăn có thể đến lấy vài tờ đã bị người không mấy khó khăn lấy đi quá nhiều, hay những tủ quần áo thiện tâm cũng bị những người “trục lợi” nhặt hết đồ tốt… Dù không có một quy định cụ thể nào để phân biệt ai được nhận, cũng không có thước đo nào đánh giá "mức độ nghèo khó" làm điều kiện để nhận quà từ thiện nhưng tất cả đều nằm ở ý thức. lòng tự trọng của mỗi người.
Khi nhắc đến câu chuyện này, chúng tôi lại nhớ đến câu chuyện gần đây về một cụ bà ngoài 80 nhất quyết xin ra khỏi hộ nghèo, bởi theo cụ khi đã tự lao động kiếm tiền nuôi sống được bản thân thì không có lý do gì để tiếp tục nhận trợ cấp từ Nhà nước. Lớn hơn cả, những hành động đó còn cho mỗi người chúng ta thêm một bài học về lòng tự trọng, sự tử tế...
Trở lại câu chuyện những ngày qua, tinh thần tương thân, tương ái đã thực sự giúp những người khó khăn vơi đi nhọc nhằn trong cuộc sống thường ngày. Đón nhận những tấm lòng ấy, những người khó khăn, người nghèo đã rất cảm kích, đồng thời họ cũng thể hiện rõ sự sẻ chia. Có người khi đến lấy gạo tại cây “ATM” đã chia sẻ, bà chỉ lấy đúng phần quy định, 1,5 ký gạo cũng nấu được 1 - 2 ngày, nếu hết mới quay lại xin tiếp chứ không lấy nhiều lần. “Mình khó nhưng còn người khó hơn, cần chia sẻ nhau mà sống"- câu nói thật cảm động và rất đáng suy ngẫm với nhiều người trong thời điểm hiện nay.