“Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam”: Phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc

12/04/2024 15:33

Kinhte&Xahoi Bộ GD&ĐT vừa có văn bản gửi các Sở GD&ĐT, các Đại học, học viện, trường Đại học, trường Cao đẳng sư phạm về việc tổ chức “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” lần thứ 3 năm 2024.

Đây là hoạt động nhằm phát huy giá trị của sách, của văn hóa đọc trong hệ thống cơ sở GD&ĐT; Góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, phát huy những giá trị đạo đức, truyền thống hiếu học của dân tộc.

Theo đó, Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT, các Đại học, học viện, trường Đại học, trường Cao đẳng sư phạm tập trung tổ chức các chuỗi hoạt động “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” từ ngày 15/4/2024 đến ngày 1/5/ 2024, với các thông điệp: Sách hay cần bạn đọc; Sách quý tặng bạn; Tặng sách hay - Mua sách thật; Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe.

Ngành Giáo dục hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024.

Các đơn vị cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng với các hình thức phù hợp về mục đích, ý nghĩa của “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam”. Tăng cường vận động, khuyến khích cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên, cộng đồng thường xuyên đến đọc sách tại các thư viện trường học, thư viện cộng đồng, thư viện số, thư viện trực tuyến trên môi trường mạng; tổ chức các hoạt động khuyến đọc đa dạng, gắn với công tác chuyên môn, sinh hoạt văn hóa của nhà trường.

Các đơn vị chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo phát huy tốt vai trò của hệ thống thư viện, tăng cường phối hợp và liên thông giữa nhà trường với thư viện tỉnh, thư viện cộng đồng, câu lạc bộ đọc sách, các nhà xuất bản trên địa bàn; Chia sẻ những nội dung, ý nghĩa, trải nghiệm từ đọc sách đối với cá nhân, tổ chức.

Về cách thức tổ chức, Bộ GD&ĐT yêu cầu các đơn vị tổ chức các hoạt động “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” trong các cơ sở GD&ĐT. Chú trọng địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn, nhằm tạo sự hưởng ứng của xã hội một cách sâu rộng, hiệu quả; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng và cha mẹ học sinh cũng như các cá nhân, tổ chức quan tâm đến khuyến đọc đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Tổ chức các cuộc thi, hội thi, trò chơi, giao lưu, hội thảo, nói chuyện, tọa đàm tìm hiểu về sách; các cuộc thi đọc sách, thi bình sách; giới thiệu các kỷ lục về sách; Trao tặng sách, đấu giá sách; bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về quản lý vận hành thư viện cho cán bộ thư viện trường học. Phát động phong trào luân chuyển sách, báo, tài liệu và trưng bày, giới thiệu sách; Xây dựng các góc đọc, thư viện cùng học; khuyến khích cha mẹ học sinh đồng hành, ủng hộ các phong trào xây dựng tủ sách lớp học trong các cơ sở GD&ĐT.

Tăng cường các hoạt động thư viện trường học, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tối ưu hóa nền tảng công nghệ, chuyển đổi số để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động thư viện. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT lưu ý cần tăng cường tuyên truyền, truyền thông ý nghĩa của việc tổ chức “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam”; Ghi nhận, biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong hoạt động này.

Về tổ chức thực hiện, các Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch tổ chức “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” và hướng dẫn các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý, tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” chất lượng, hiệu quả.

Các Đại học, học viện, trường Dại học, trường Cao đẳng sư phạm xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường, khuyến khích cán bộ, giảng viên, sinh viên tham gia các hoạt động hưởng ứng “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam”.

 Hoa Tiên - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://phapluatplus.vn/ngay-sach-va-van-hoa-doc-viet-nam-phat-huy-truyen-thong-hieu-hoc-cua-dan-toc-197962.html