Tạm dừng thi công dự án nước thải Việt Trì

10/09/2019 15:47

Kinhte&Xahoi Dự án nước thải Việt Trì theo kế hoạch phải cơ bản hoàn thành vào năm 2015. Tuy nhiên, đến nay công trình đang bị tạm dừng thi công, nhà thầu đã rút toàn bộ công nhân và máy móc...

Năm 2008, tỉnh Phú Thọ cho phép triển khai dự án xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải thành phố Việt Trì với tổng mức đầu tư hơn 841 tỷ đồng và sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2015. Tuy nhiên, sau nhiều lần gia hạn và “chốt” đến hết tháng 12/2018 dự án phải hoàn thành, thế nhưng đến nay, dự án vẫn chưa thể hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng, mặc dù dự án đã hoàn thành trên 84% khối lượng công việc.

Dự án hệ thống thu gom và xử lý nước thải thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ với quy mô xây dựng gồm: Trạm xử lý nước thải TP1 với công suất giai đoạn 1 là 5.000m3/ngày đêm; trạm xử lý nước thải TP2 với công suất là 10.000m3/ngày đêm; hệ thống thu gom nước thải gồm 19 trạm bơm nước thải cùng hệ thống tuyến ống áp lực và tuyến ống tự chảy với tổng chiều dài là 102.573m do Công ty cổ phần Cấp nước Phú Thọ làm chủ đầu tư.

Toàn cảnh Trạm xử lý nước thải TP1 tại phường Minh Nông, thành phố Việt Trì. Ảnh: Báo Phú Thọ

Quy mô dự án gồm: Trạm xử lý TP1 với diện tích 4,77ha đặt tại phường Minh Nông và trạm xử lý TP2 diện tích 4,37ha đặt tại phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì với tổng mức đầu tư là hơn 841 tỷ đồng; trong đó, vốn vay EDCF (vốn vay hỗ trợ phát triển từ Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc - do Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc chịu trách nhiệm quản lý và vận hành) khoảng 80%, vốn đối ứng từ ngân sách khoảng 20%. Nhà thầu chính thi công dự án này là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Keangnam (Hàn Quốc)

Dự án thuộc nhóm B, công trình cấp III và đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 309/QĐ-UBND ngày 2/2/2010, mục tiêu là thu gom, xử lý toàn bộ nước thải sinh hoạt từ đời sống dân sinh, khắc phục tình trạng xả thải tràn lan ra môi trường sống không chỉ của người dân mà cả hệ thống khách sạn, nhà hàng, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư… đến các trạm xử lý nước tập trung trước khi xả thải ra sông Hồng, sông Lô.

Theo kế hoạch, dự án sẽ phải cơ bản hoàn thành vào năm 2015. Tuy nhiên, đến nay công trình đang bị tạm dừng thi công, nhà thầu đã rút toàn bộ công nhân và máy móc thi công, chỉ để lại vài người thay nhau trông coi, bảo vệ công trình.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; đồng thời cho phép gia hạn thực hiện dự án đến năm 2017. Tuy nhiên, hết năm 2017, dự án vẫn chưa được hoàn thành theo kế hoạch; tỉnh Phú Thọ lại tiếp tục gia hạn đến hết tháng 12/2018 và cho phép điều chỉnh một số hạng mục thi công...

Thế nhưng đến nay, sau ba lần điều chỉnh và gia hạn, nhiều lần ban hành văn bản điều chỉnh các hạng mục nhỏ lẻ, dự án vẫn chưa thể hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Lý giải về vấn đề tạm dừng triển khai dự án, ông Nguyễn Minh Xuyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Phú Thọ cho biết, dự án tạm dừng là do trượt tỷ giá tại thời điểm ký hợp đồng đến quá trình triển khai dự án có khác nhau dẫn đến thiếu vốn.

“Vướng mắc nhất hiện nay là các đầu đấu nối nước thải của các hộ dân dẫn vào nhà máy đang gặp rất nhiều khó khăn bởi phần đa các hộ dân làm nhà từ trước, các công trình phụ đều nằm phía sau, nếu đưa gom được hệ thống nước thải này thì các hộ dân phải làm lại toàn bộ, thậm chí phải phá bỏ nền nhà làm lại hệ thống nước thải để nước thải có thể chảy đến các trạm bơm (19 trạm bơm của dự án).

Từ đó nhà máy tự bơm lên hệ thống để xử lý. Tuy nhiên, việc đấu nối lại không nằm trong dự án ban đầu dẫn đến phải tạm dừng tiến độ dự án…”, ông Xuyên cho biết thêm.

Đến thời điểm hiện tại, công trình đang tạm dừng thi công xây dựng xây dựng với khối lượng hoàn thành công việc đạt trên 84%, số tiền đã giải ngân hơn 483 tỷ đồng; trong đó vố ODA hơn 429 tỷ đồng và vốn đối ứng hơn 53 tỷ đồng.

Trong khi đó, ngày 17/6/2019, nhà thầu Keangnam đã có văn bản đề nghị chấm dứt hợp đồng với lý do thiếu mặt bằng thi công. Liên quan đến vấn đề này, theo UBND tỉnh Phú Thọ, hiện nay mặt bằng đã bảo đảm, hết tháng 7/2019 giải phóng xong cơ bản.

Để tháo gỡ vướng mắc cũng như khắc phục chậm tiến độ dự án, ngày 28/6/2019 tỉnh Phú Thọ có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc về việc hỗ trợ thực hiện dự án.

Theo công văn, UBND tỉnh Phú Thọ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc cho phép sử dụng kinh phí dự phòng khoản ODA còn lại 2,1 triệu USD để thực hiện các phần việc điều chỉnh bổ sung của hợp đồng tư vấn, xây lắp theo hiệp định vay vốn của Chính phủ; sớm bố trí kế hoạch năm 2019 cho dự án từ số vốn 159,7 tỷ đồng đã được bổ sung giai đoạn 2016-2020; đề nghị Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc có ý kiến với Bộ Tài chính về gia hạn thời gian thực hiện đến 31/12/2020, thời gian thanh toán dự án đến 30/6/2021 như các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, của UBND tỉnh Phú Thọ để thực hiện thủ tục gia hạn hợp đồng, giải ngân, thanh toán vốn dự án./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền của Tòa án Việt Nam

Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đang dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) về thẩm quyền, thủ tục giải quyết vụ việc dân sự (DS) có yếu tố nước ngoài, trong đó xác định các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án Việt Nam.

Hồ sơ giả vay hơn 379 tỷ đồng: Vì sao bị can được “loại trừ” trách nhiệm gần 79 tỷ đồng?

Trong 3 năm, bị can Bùi Kiên Dũng cùng các đồng phạm đã dùng tư cách của 6 công ty, làm giả hồ sơ vay hơn 379 tỷ đồng của ngân hàng rồi chi tiêu cá nhân, không có khả năng thanh toán. Tuy nhiên, khi truy tố các bị can này về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, VKSND Tối cao lại cho rằng các bị can chỉ chiếm đoạt hơn 300 tỷ do đây là khoản vay “không có tài sản bảo đảm”.

Theo TTXVN/ Pháp luật Plus