TPCN Xoang Phúc Thọ: Quảng cáo theo kiểu “vàng thau lẫn lộn”

06/09/2018 08:44

Kinhte&Xahoi Là thực phẩm chức năng (TPCN) nhưng lại được quảng cáo có tác dụng “điều trị”, ‘đặc trị” như một loại thuốc và bán với nhiều mức giá khác nhau. TPCN Xoang Phúc Thọ đang quảng cáo theo kiểu “vàng thau lẫn lộn”.

TPCN Xoang Phúc Thọ vi phạm luật quảng cáo nghiêm trọng

Nắm bắt được tâm lý và sự cả tin của người bệnh, TPCN Xoang Phúc Thọ đã buông những lời quảng cáo có cánh thổi phồng công dụng của sản phẩm cùng với đó là những bài viết dưới dạng chia sẻ của người bệnh dùng sản phẩm. 

190.000 kết quả trong vòng 0,53 giây khi tìm kiếm từ khoá “Xoang Phúc Thọ” trên Google. Ở ngay trang đầu tiên tìm kiếm ai cũng nghĩ rằng Xoang Phúc thọ là một loại thuốc “điều trị” bệnh lí khi một loạt những từ và cụm từ như “đặc trị..” , “điều trị”, “dứt điểm” viêm xoang , viêm mũi dị ứng…xuất hiện vô cùng nổi bật.

Sử dụng nhiều ngôn ngữ dễ gây hiểu lầm cho khách hàng để quảng cáo TPCN Xoang Phúc Thọ.

 

Cụ thể, tại Website http://www.dutdiemxoangmui.com/ sản phẩm TPCN Xoang Phúc Thọ được quảng cáo như một bài thuốc quý với thảo dược thiên nhiên có thể “đặc trị dứt điểm viêm xoang”. Tiếp đó, hàng loạt chia sẻ của người bệnh theo mô tít đã từng khổ sở với căn bệnh viêm xoang nhưng sau khi sử dụng Xoang Phúc Thọ bệnh tình thuyên giảm, thậm chí không còn triệu chứng của bệnh viêm xoang như chảy nước mũi, ù tai, đau vai, đau đầu…

Sử dụng thư tín cảm ơn, chia sẻ của người bệnh nhằm tạo lòng tin cho khách hàng.

“Tôi là nhân viên công trình, môi trường ô nhiễm khiến tôi bị viêm xoang trán đến nay cũng 7 năm. Chữa nhiều thuốc cũng không khỏi. Tình cờ tôi gặp bài thuốc Xoang Phúc Thọ và được sự tư vấn từ các bác sĩ nên giờ bệnh xoang của tôi đã khỏi hoàn toàn. Tôi rất vui và rất cảm ơn nhà thuốc!”một chia sẻ của người bệnh được đăng tải trên Website .

Tiếp đó, trên website http://xoangphuctho.com/ cũng quảng cáo sản phẩm TPCN Xoang Phúc Thọ với nguyên liệu từ thảo dược đặc trị viêm xoang.

Một dẫn chứng khác, trên Fanpage “Xoang Phúc Thọ” những lời có cánh thổi phồng sản phẩm này như một bài thuốc thần dược. “ Xoang Phúc Thọ đặc trị viêm xoang viêm mũi dị ứng”, “Với hơn 30 năm kinh nghiệm Xoang Phúc Thọ đã giúp hơn 15.000 bệnh nhân các vùng trên cả nước. Nhẹ thì dùng 1 còn nặng thì dùng từ 2 đến 3 liệu trình là được”. 

Trong khi đó, Quy định tại Khoản 4, Điều 5, Nghị định 181/2013/NĐ-CP về việc Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật quảng cáo 2012 nêu rõ: “. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc”. Trong khi đó, sản phẩm TPCN Xoang Phúc Thọ lại vô tư dùng những từ ngữ quảng cáo gây hiểu lầm cho khách hàng. 

Xoang Phúc Thọ là sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, tuy nhiên, các sản phẩm này lại được “phù phép”, quảng cáo là có tác dụng điều trị viêm xoang – viêm mũi dị ứng rất công hiệu. Chính vì vậy, người bệnh và thậm chí cả nhà thuốc cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc phân biệt “vàng – thau” để có thể lựa chọn chính xác sản phẩm thảo dược trị viêm mũi, xoang có chất lượng tốt.

Cùng một sản phẩm nhưng lại nhiều mức giá khác nhau?

Một sản phẩm Xoang Phúc Thọ cùng loại, cùng nhà sản xuất và có cùng khối lượng nhưng lại có các mức giá khác nhau. Điều này không những khiến người bệnh hoang mang, lo lắng về giá trị thực của sản phẩm mà còn ảnh hưởng lớn đến chiến lược cạnh tranh của các sản phẩm khác có cùng công dụng.
Cụ thể, trên một số trang bán hàng online, sản phẩm viên uống Xoang Phúc Thọ dạng viên uống 30 viên /hộp có giá bán 110 -175 nghìn đồng. Trên nhãn mác của sản phẩm này đều giống nhãn mác của sản phẩm được bán trên các Website khác. 

Nhãn mác đều ghi rõ sản phẩm của công ty TNHH Quốc tế Phúc Thọ PHARMA có địa chỉ tại Số 03, Lý Thường Kiệt, Thị trấn Thanh Bình, Huyện Thanh Bình, Tỉnh Đồng Tháp.


Cùng 1 sản phẩm nhưng lại có nhiều mức giá, chênh lệch khá lớn, câu chuyện thương hiệu giả?

 

Trong khi đó tại website http://www.dutdiemxoangmui.com/   và http://xoangphuctho.com/ cũng một sản phẩm như trên nhưng giá bán 350 nghìn đồng, cao gấp đôi so với giá bán sản phẩm trên các fanpage và Website khác. 

Trong vai người có nhu cầu mua TPCN Xoang Phúc Thọ, PV đã gọi điện tới đường dây nóng 098539xxxx để thắc mắc vì sao cùng một loại sản phẩm, cùng nhãn mác mà có giá chênh lệch như vậy thì được nhân viên bên kia đầu dây trả lời rằng “Đó là hàng nhái, hàng giả, không phải hàng của công ty, hàng của công ty chỉ bán tại nhà thuốc có địa chỉ: Số 7, ngõ 102, Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội với giá 349 -350 nghìn đồng”.

Khi PV hỏi làm sao để phân biệt được đâu là thật đâu là giả thì tư vấn viên này trả lời “để kiểm tra hàng giả, hàng thật thì check mã sản phẩm, muốn mua hàng thật thì tới nhà thuốc mua có địa ở trên mà để mua”.

Cùng một loại sản phẩm nhưng có tới nhiều mức giá. Khi thắc mắc thì được trả lời rằng đó là hàng giả, hàng nhái. Một thương hiệu lớn, thiết nghĩ phải có chiến lược phát triển thị trường, bảo vệ thương hiệu và ít ra trong câu chuyện này cũng nên có một khuyến cáo cho khách hàng, nếu trên thị trường thực sự có Xoang Phúc Thọ giả.

Sản phẩm TPCN không thể là thuốc, không thể có tác dụng như thuốc. Nhưng chính những quảng cáo nhằm đành lừa khách hàng, đánh lừa người tiêu dung, khiến nhiều người lầm tưởng Xoang Phúc Thọ là bài thuốc chữa bệnh lý viêm xoang.

Đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc, thanh kiểm tra, xử lý nghiêm nếu có sai phạm, tránh để tiền lệ xấu về sau. 

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP tại Chương VIII, khoản 2 trong điều 27 có quy định rõ "Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm." 

 

 

Theo HH&TH HN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM