Việc chấm điểm thi lớp 10 rất nghiêm, thí sinh có nên phúc khảo?
Kinhte&Xahoi
Việc chấm phúc khảo rất khó có thể thay đổi kết quả ban đầu nếu những người làm công tác chấm phúc khảo công tâm, minh bạch, không chịu tác tác động của người khác.
Là một nhà giáo đã có nhiều năm kinh nghiệm trong giảng dạy cũng như tham gia chấm thi tuyển sinh 10, trước một quy trình chấm bài nghiêm ngặt tác giả Nhật Duy cho rằng việc sai sót rất khó có thể xảy ra.
Tuy nhiên, nếu có tiêu cực trong chấm thi thì chỉ có thể là khâu phúc khảo.
Kì thi tuyển sinh 10 hiện nay có tính cạnh tranh gay gắt nên việc chấm thi, nhập điểm đều phải tuân thủ một quy trình làm việc cực kỳ nghiêm ngặt với rất nhiều công đoạn khác nhau.
Việc sai sót không dám nói là không có nhưng theo chúng tôi thì những sai sót (nếu có) xảy ra chỉ có tỉ lệ cực nhỏ, nhất là đối với những môn tự nhiên - những môn “định lượng” có đáp án rõ ràng.
Và, chắc chắn những tiêu cực trong chấm thi sẽ không thể xảy ra. Tuy nhiên, sau mỗi kỳ thi thì chúng ta vẫn thấy tình trạng các thí sinh phúc khảo được tăng điểm?
Vì sao vậy?
Các thầy cô giáo tham gia công tác chấm thi.
Quy trình chấm bài
Nhiều năm chúng tôi tham gia công tác chấm thi tuyển sinh 10, điều mà chúng tôi cảm nhận được là quy trình thực hiện rất nghiêm ngặt, khoa học và khách quan.
Dù đề thi đã có đáp án chấm của bộ phận ra đề nhưng trước khi chấm thì Hội đồng chấm thi của từng môn vẫn phải thảo luận, thống nhất lại đáp án chấm một cách chi tiết, cụ thể để loại trừ mọi sai sót.
Trưởng Hội đồng bộ môn chiếu lại đề thi, đáp án lên màn hình và soi kỹ từng câu chữ, sau đó đặt ra nhiều tình huống có thể xảy ra đối với thực tế làm bài của thí sinh.
Sau khi thống nhất được đáp án thì đến khâu chấm bài chung của toàn thể Hội đồng chấm thi.
Thường, mỗi môn thi được Hội đồng chấm chung khoảng 10 bài. 10 bài thi này sẽ được rọc phách và photocopy cho Hội đồng chấm thi mỗi người mỗi bản.
Khi tiến hành chấm xong thì cả Hội đồng thống nhất từng câu để cho điểm.
Những ý kiến phản biện, đề xuất luôn được trao đổi, tranh luận sôi nổi để đi đến thống nhất cách chấm, cách cho điểm nhằm hướng tới việc cho điểm công bằng, thống nhất tới toàn thể Hội động chấm thi.
Dù chỉ chấm chung 10 bài thi của thí sinh nhưng có những năm Hội đồng chấm của địa phương chúng tôi đang công tác chấm cả ngày không xong.
Khi thống nhất xong cách chấm thì Hội đồng chấm sẽ phân công từng tổ chấm.
Mỗi tổ được chia thành 2 nhóm, chấm ở 2 phòng riêng biệt do tổ trưởng và tổ phó phụ trách từng nhóm.
Những cặp đôi chấm với nhau phải độc lập, người này chấm xong thì đến người kia chấm và hoàn toàn không biết nhau. Chỉ đến khi thống nhất điểm mới có thể biết được nhau.
Sau mỗi vòng chấm lại đổi sang với người khác và liên tục đảo cặp với nhau như vậy trong quá trình chấm.
Ở trong phòng chấm thi, tất cả các điện thoại của giáo viên phải tắt nguồn và để ở ngoài hành lang, giáo viên chỉ được dùng 1 cây bút đỏ duy nhất do Hội đồng chấm thi phát cho.
Những loại bút khác màu không được đem vào phòng chấm thi để đề phòng mọi tình huống tiêu cực có thể xảy ra.
Mỗi giám khảo chấm ngồi 1 bàn và chỉ có 1 cây bút đỏ, 1 bản đáp án bài thi và xấp bài thi của học trò.
Những vật dụng khác mang vào đều không được chấp nhận và xem như vi phạm quy chế.
Những giám khảo chấm bài cũng chẳng khác nào những thi sinh khi bước vào phòng thi.
Lúc thống nhất điểm thi giữa 2 giám khảo chấm, nếu chấm lệch từ 1-1,5 điểm đối với môn Văn thì giám khảo phải đối thoại với nhau và báo cáo với tổ trưởng để thống nhất. Khi lệch trên 1,5 điểm thì sẽ được chấm lại lần thứ 3.
Tuy nhiên, việc lệch nhau trên 1,5 thường rất hiếm xảy ra bởi phần lớn giáo viên được điều đi chấm thi là những người đều có kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy và nắm khá sát chuẩn kĩ năng kiến thức môn học.
Vì thế, khi thống nhất điểm thì giáo viên sẽ vào điểm thống nhất của 2 người ở cột riêng ở góc bài thi.
Ngay cả khi chấm thi thì Hội đồng chấm cũng phân bài lệch nhau, giáo viên ở huyện này bắt buộc phải chấm bài ở huyện khác.
Khi giám khảo chấm xong thì bộ phận chấm kiểm tra sẽ chấm lại 5% bài thi tự luận và những bài thi được bộ phận thư ký kiểm tra kỹ lưỡng để tránh mọi sai sót của cho việc chấm thi.
Quy trình nhập điểm
Sau khi chấm xong thì Hội đồng chấm thi sẽ ráp phách lại bài thi theo số mật mã mà bộ phận mật mã đã đánh số.
Công đoạn này thì rất rõ ràng bởi tên tuổi, số báo danh, tên trường thi đã được thí sinh ghi cụ thể.
Ráp phách xong thì đến khâu nhập điểm và đây là khâu đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác cao độ.
Riêng quy trình nhập điểm cũng được phân công rất nhiều người làm qua nhiều công việc khác nhau.
Mỗi tổ nhập điểm thường có 9 người: 1 tổ trưởng phụ trách chung và sắp xếp các tệp bài thi theo từng túi khi hoàn thiện công việc.
8 người còn lại chia làm 2 nhóm nhỏ. Nhóm vào điểm có 1 giáo viên (tin học) nhập điểm; 3 giáo viên đọc điểm cho 3 môn thi.
Khi nhập điểm xong, người nhập điểm sẽ in 1 bản và đưa cho nhóm dò điểm.
Nhóm này có 4 người, 1 người đọc tên, số báo danh, điểm số từng môn và 3 người còn lại mỗi người phụ trách lật bài thi từng môn theo thứ tự để dò xem điểm nhập đã đúng và có sai sót gì không.
Nếu phát hiện sai sót thì sẽ báo cho bên nhập điểm chỉnh sửa.
Sau khi hoàn thiện tất cả công việc nhập điểm, dò điểm thì mỗi phòng thi sẽ in 1 bản và tất cả mọi người trong các bộ phận nhập điểm, dò điểm ký tên vào. Và, đây cũng là bản mà Sở sẽ thông báo đến các Hội đồng thi.
Phần dữ liệu trên máy thì lưu vào từng Hội đồng thi theo từng file riêng và chép vào USB để nộp cho Chủ tịch Hội đồng thi của Sở.
Khi Hội đồng chấm thi của Sở kiểm tra không còn sai sót thì phần dữ liệu trên máy sẽ bị xóa và công việc nhập điểm của giáo viên được hoàn tất.
Ngoài việc thông báo bảng điểm bằng văn bản thì những dữ liệu sẽ được Sở gửi qua email của các trường và thông báo trên Wepsite của Sở để học sinh tra cứu điểm thi.
Vì sao vẫn có thể thay đổi được kết quả khi phúc khảo?
Quy trình nghiêm ngặt là vậy nhưng vì sao khi thí sinh phúc khảo lại vẫn có những trường hợp thay đổi được điểm số, theo chúng tôi có 2 nguyên nhân sau:
Thứ nhất là khi giáo viên thống nhất điểm xong và cộng các con điểm nhỏ không cẩn thận bởi vì bài thi thường có rất nhiều câu hỏi nhỏ như bài thi Tiếng Anh, bài tổ hợp.
Vì sai sót nên dẫn đến việc cộng điểm thiếu cho học trò.
Tuy nhiên, việc sai sót này không dẫn đến lệch điểm quá lớn cho thí sinh và cũng rất ít khi sai sót bởi có nhiều công đoạn kiểm tra phía sau nữa.
Thứ hai là khi chấm phúc khảo phải có một tác động “ngoại lực” nào đó thì bài thi mới có thể thay đổi được điểm số.
Bởi, với một quy trình chấm bài nghiêm ngặt như chúng tôi đã trình bày ở trên thì việc sai sót rất khó có thể xảy ra.
Thực tế, khi giáo viên tham gia vào công tác chấm thi, nhập điểm thì ai cũng ý thức được vai trò của mình.
Những sai sót không chỉ ảnh hưởng đến kết quả của học trò mà còn ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người chấm, người nhập điểm.
Vì vậy, những công việc được cấp trên giao bao giờ họ cũng cẩn thận, tỉ mỉ đến từng chi tiết.
Và, nếu nói tiêu cực trong chấm thi thì chỉ có thể là khâu phúc khảo - đây được coi là công đoạn cuối cùng của chấm thi.
Chính từ những gì mà bản thân đã chứng kiến và tham gia các các công đoạn trong chấm thi Tuyển sinh 10, người viết bài này có thể tin rằng việc phúc khảo của các thí sinh rất khó có thể thay đổi được kết quả ban đầu nếu những người làm công tác chấm phúc khảo công tâm, minh bạch và không chịu tác động, chỉ đạo của một ai đó.
Theo KD& PL