Tuyển sinh 2023: Không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm

06/01/2023 08:51

Kinhte&Xahoi Theo Bộ GD&ĐT, các trường có thể tổ chức xét tuyển sớm, công bố danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển, nhưng không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch chung của Bộ.

Báo cáo tại giao ban quý IV về tuyển sinh và đào tạo năm 2022, Bộ GD&ĐT cho biết, đang xem xét không thực hiện xét tuyển Đại học sớm trong mùa tuyển sinh năm 2023, trừ một số trường hợp đặc thù.

Tất cả phương thức xét tuyển Đại học, bao gồm cả xét từ kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ được thực hiện cùng một đợt.

Ảnh minh họa.

Năm 2022, ngoài phương thức xét từ điểm thi tốt nghiệp, các trường Đại học được chủ động thời gian khi xét tuyển theo các phương thức khác. Các trường có thể tổ chức xét tuyển sớm, công bố danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển, nhưng không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch chung của Bộ.

Xét tuyển sớm là áp dụng các phương thức tuyển sinh không sử dụng điểm thi của thí sinh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ví dụ như: Xét học bạ, điểm thí sinh tại kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ quốc tế, và các hình thức ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng.

Khi thí sinh nộp hồ sơ theo hình thức xét tuyển sớm, nếu đủ điều kiện và nhận được thông báo kết quả đã trúng tuyển thì được gọi là trúng tuyển sớm.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong 18 phương thức xét tuyển được áp dụng trong kỳ tuyển sinh năm 2022, chỉ 4 phương thức có sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Cụ thể gồm: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế; Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với kết quả học tập cấp THPT; Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với điểm thi năng khiếu). Như vậy, với 14 phương thức còn lại, thí sinh đều có thể nộp hồ sơ xét tuyển sớm.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD&ĐT, dự kiến công tác tuyển sinh năm 2023 cơ bản giữ ổn định như năm 2022. Bộ GD&ĐT sẽ nâng cấp hệ thống tuyển sinh chung, tăng cường các giải pháp kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho thí sinh, giảm tối đa các sai sót, nhầm lẫn trong quá trình nhập dữ liệu.

Bộ cũng đang chỉ đạo, hướng dẫn các trường rà soát các phương thức xét tuyển, loại bỏ các phương thức không phù hợp, gây khó khăn hoặc khiến thí sinh dễ nhầm lẫn. Theo phương án dự kiến, tất cả các phương thức xét tuyển sẽ được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. 

 Hoa Tiên- Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ba Vì - Hà Nội: Những dấu hỏi sau một phiên toà sơ thẩm

Mới đây, TAND huyện Ba Vì đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Cao Bá Quý Dương về tội “Xâm phạm chỗ ở của người khác” theo Điều 158 Bộ luật hình sự 2015. Trong quá trình tranh tụng, luật sư của bị cáo đã chỉ ra nhiều vấn đề trong quá trình điều tra của Công an huyện Ba Vì và chưa được phía đại diện Viện kiểm sát trả lời thấu đáo, thuyết phục. Đặc biệt, bản án 30 tháng tù giam đối với bị cáo khiến dư luận bất ngờ và không thể không đặt dấu hỏi về tính công minh của pháp luật và tình cảm con người, khi em gái đẩy anh trai vào tù tội.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/giao-duc/tuyen-sinh-2023-khong-duoc-yeu-cau-thi-sinh-xac-nhan-nhap-hoc-som-d188785.html