Vui Tết Độc lập - “Đặc sản” văn hóa của đồng bào Mông

01/09/2019 15:33

Kinhte&Xahoi Biên phòng - Có một ngày hội hình thành từ đời sống, nhu cầu giao tiếp và dần trở thành đặc sản văn hóa của dân tộc Mông, đó là ngày Tết Độc lập. Bởi, ngoài ngày Tết đầu năm mới, Tết gầu tào (xuống đồng), thì Tết Độc lập vào những ngày nghỉ lễ dịp 2/9 là ngày gặp gỡ, hội hè đông vui, náo nhiệt nhất, lan tỏa thành ngày hội chung của cộng đồng các dân tộc, của khách du lịch khắp mọi miền đất nước.

Phụ nữ Mông đi chợ sắm trang phục trong dịp Tết Độc lập. Ảnh: TTH 

Mộc Châu (Sơn La) và Mường Lát (Thanh Hóa) là 2 vùng cư trú đông đảo của đồng bào dân tộc Mông khởi phát ngày Tết Độc lập. Ban đầu, đồng bào tập trung lại, vui chơi mừng ngày Quốc khánh của đất nước, hòa chung với dịp nghỉ lễ 2-9 và các hoạt động văn nghệ quần chúng do địa phương tổ chức. Sau đó, hiệu ứng của ngày hội lan rộng, người Mông ở các vùng lân cận, ở các tỉnh khác cũng tìm đến nhau để gặp gỡ, vui chơi.

Hơn thế nữa, thời điểm ngày 2-9 hàng năm là dịp thu hoạch xong vụ ngô của bà con. Hầu hết các gia đình người Mông đã thu hái xong ngô trên nương và có được một món tiền bán ngô bắp. Số tiền này được sử dụng để mua sắm vật dụng gia đình, để liên hoan thịnh soạn trong họ hàng bản xóm. Vì vậy, điều đó đã kích cầu tiêu dùng trên thị trường, làm cho đời sống thôn, bản nhộn nhịp hẳn lên, các khu dân cư và chợ đông đúc, trao đổi hàng hóa, mua bán nhiều hơn. Các thương lái tăng lượng hàng hóa và tăng chuyến hàng lên vùng cao, nhất là những hàng hóa được ưa chuộng vào thời điểm này như xe máy, vô tuyến, điện thoại di động... Tất cả những điều đó làm nên một sự chuyển động đáng kể trong nhịp sống vùng cao, là tiền đề để bà con bước vào dịp Tết Độc lập náo nhiệt, vui tươi.

Sự no ấm thể hiện ngay trong mỗi gia đình và trên những gương mặt người. Những người phụ nữ Mông cả năm dệt vải, nhuộm chàm và thêu áo chỉ để chờ đợi đến ngày lễ, Tết được mặc đi chơi. Tết Độc lập chính là dịp để bà con diện áo mới, khoác lên mình những bộ trang phục thêu cầu kỳ, sặc sỡ. Bởi dù cũng được gọi là “Tết”, nhưng Tết Độc lập lại không buộc phải tuân thủ những nghi lễ cúng bái, phong tục khắt khe, chỉ đơn thuần là dịp gặp gỡ, vui chơi, nên ai nấy đều phấn khởi. Mọi hoạt động làm ăn đều được chờ qua ngày 2-9 mới tiếp tục tính toán, lo toan cho đến năm mới.

Thanh niên người Mông đặc biệt thích Tết Độc lập để được đi chơi, tạm bỏ cày cuốc, ruộng nương để chải chuốt xuống phố tìm bạn gái. Nhiều người nhầm tưởng rằng, ngày Tết Độc lập của người Mông có kèm theo dịp có chợ tình của họ. Kỳ thực, thanh niên Mông thường gặp nhau ở các phiên chợ. Họ công khai tìm hiểu, gắn bó và chơi ném pao, đá cầu, đánh yến và thổi khèn lá cho nhau nghe. Có thể nói, các phiên chợ tạo ra cơ hội gặp gỡ, gắn bó để trai gái Mông có thể tạo dựng hạnh phúc của họ. 

Những năm gần đây, các địa phương đã hình thành ngày Tết Độc lập, thu hút đông đảo đồng bào các dân tộc tham gia. Đây cũng là dịp đặc biệt để tổ chức các hoạt động văn nghệ quần chúng, chào mừng Quốc khánh 2-9. Mộc Châu và Mường Lát là 2 địa phương hiện trở thành địa điểm du lịch thú vị dành cho những người thích thú với văn hóa và đời sống của cộng đồng dân tộc thiểu số. Thêm một lựa chọn cho những ngày nghỉ lễ của du khách là ngày Tết Độc lập đầy sắc màu lễ hội, trang phục trong không khí mùa thu nắng dịu và khung cảnh Tây Bắc hùng vĩ. 

Một cơ hội nữa dành cho các hội đoàn thể, quản lý hành chính địa phương là nhân ngày tụ hội, vui chơi giải trí, họ đồng thời tổ chức những đợt tuyên truyền, tặng cây, con giống, phương tiện sản xuất, tổ chức phục dựng lại và trình diễn văn hóa của người Mông và các dân tộc thiểu số. Nhân dịp đó, người Mông cũng tình nguyện tham gia ký kết các luật ước làng xã về bảo vệ rừng, cam kết xây dựng đời sống văn hóa mới, không tiếp tay và tham gia buôn bán ma túy, tố giác tội phạm. 

Ngày Tết Độc lập cũng là cơ hội cho người dân tiếp cận nhiều hơn với cộng đồng và các dự án hỗ trợ phát triển kinh tế, làm dịch vụ du lịch. Anh Giàng Seo Quý, người Mông ở Mộc Châu cho biết, anh cũng như nhiều gia đình khác, dù không ở gần quốc lộ, nhưng vẫn mạnh dạn xây dựng một cơ sở lưu trú và nhà hàng để phục vụ khách du lịch. 

Những năm gần đây, Tết Độc lập đặc biệt có chỗ đứng quan trọng trong đời sống của bà con người Mông, mỗi năm lại đông hơn, vui hơn. Ngày Tết Độc lập giờ đây không chỉ của riêng người Mông nữa, mà của cả những người ở dưới xuôi lên. Mỗi bản chỉ cần tổ chức đá bóng với bản bên là đã vui rồi, còn trai gái thì vui chơi ném pao, đá cầu. Năm nào các bản cũng thi giã bánh giầy, làm bánh của người Mông. Sau đó, mổ lợn ăn mừng ngày Tết Độc lập. 

Những ngày vui tích lũy tinh thần phấn chấn để bước vào mùa vụ mới của người Mông bắt đầu như thế. Tết Độc lập đã làm cho đời sống của bà con càng cởi mở, giao tiếp rộng hơn, tăng nhu cầu trao đổi thương mại, tiêu dùng trong tương lai. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bắt giữ thanh niên hành hung CSGT ở Đắk Nông

Sáng ngày 1/9, tin từ Công an huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) cho biết, đang tạm giữ đối tượng Bùi Văn Ngọc (30 tuổi, trú tỉnh Đồng Nai) liên quan đến hành vi đánh cán bộ CSGT đang làm nhiệm vụ.

Theo Báo Biên phòng/ Pháp luật Plus