Quảng cáo không đúng nội dung được cấp, Dược phẩm Khang Lâm bị phạt 25 triệu đồng
Kinhte&Xahoi
Dược phẩm Khang Lâm bị phạt 25 triệu đồng do quảng cáo không đúng với Giấy xác nhận nội dung quảng cáo.
Sản phẩm Đại tràng Pharbaco đăng tải trên website và mạng xã hội facebook. Ảnh chụp màn hình Xuân Thành
Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, vừa qua cơ quan chức năng đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số: 511/QĐ-XPVPHC ngày 11/10/2023 số tiền 25 triệu đồng đối với Công ty cổ phần dược phẩm Khang Lâm (Số 11 Phố Nhà Thờ, Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Cụ thể, Công ty cổ phần dược phẩm Khang Lâm đã có hành vi quảng cáo 03 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Boplate, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Đại tràng Pharbaco, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tiền liệt tuyến Pharbaco trên website: klapharma.com.vn “không đúng với Giấy xác nhận nội dung quảng cáo do Cục An toàn Thực phẩm xác nhận”.
Với hành vi vi phạm nêu trên buộc Công ty cổ phần dược phẩm Khang Lâm tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo không đúng về 03 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Boplate, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Đại tràng Pharbaco, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tiền liệt tuyến Pharbaco trên website nêu trên.
Theo tìm hiểu của PV Pháp luật Plus được biết, Công ty cổ phần dược phẩm Khang Lâm quản lý bởi chi cục Thuế Quận Hoàn Kiếm do ông Lê Đắc Hùng làm đại diện pháp luật. Cả 03 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe nêu trên do Công ty cổ phần dược phẩm Khang Lâm là đơn vị công bố sản phẩm, chịu trách nhiệm phân phối sản phẩm ra thị trường.
Mức xử phạt về Quảng cáo thực phẩm chức năng có nội dung không đúng sự thật về an toàn thực phẩm căn cứ Điều 23 Nghị định 115/2018/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 38/2021/NĐ-CP:
- Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi không cung cấp thông tin về an toàn thực phẩm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với: Phát hành tài liệu, ấn phẩm thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật; đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng thông tin về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật.
- Buộc thu hồi tài liệu, ấn phẩm đã phát hành đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều này…
- Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo đối với vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;…
Như vậy, hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng có nội dung không đúng sự thật về an toàn thực phẩm sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với cá nhân và từ 100 triệu đồng đến 140 triệu đồng đối với tổ chức. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả ở đây là buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo và buộc cải chính thông tin.
Xuân Thành - Pháp luật Plus