Liên quan việc một người đàn ông câu trộm rùa nặng khoảng 15kg ở Hồ Gươm vào chiều 16.12, nhiều người thắc mắc đây là loài rùa gì, có phải hậu duệ của "cụ rùa" Hồ Gươm?
Về việc này, trao đổi với Lao Động, PGS.TS Hà Đình Đức cho biết, khi xem hình ảnh về cá thể rùa này, có thể nhận định đây là rùa núi nâu.
“Qua đối chiếu với hình dáng mai (mai cứng), tạm xác định đây là rùa núi nâu. Loài rùa này chủ yếu sinh sống tại ở vùng núi. Muốn biết chính xác và cụ thể nhất, phải quan sát vùng bụng, đầu cá thể rùa nhô ra thế nào”, PGS Hà Đình Đức thông tin.
Vị chuyên gia này cũng khẳng định, hiện tại ở Hồ Gươm không hậu duệ của "cụ rùa", mà chỉ có những loài rùa thông thường, như rùa cổ sọc, rùa núi nâu, rùa đất... do người dân thả xuống sau mỗi đợt phóng sinh.
Người đàn ông câu trộm rùa ở Hồ Gươm. Ảnh: C.T.V
"Cụ rùa" Hồ Gươm là cá thể cái, có tên khoa học Rafetus Swinhoei, là một loài rùa nước ngọt khổng lồ cực hiếm, thuộc họ ba ba, phần mai mềm.
Sau khi "cụ rùa" Hồ Gươm chết, hiện trên thế giới chỉ ghi nhận còn 3 con cùng loài với "cụ rùa" (một con ở hồ Đồng Mô và 2 con ở Trung Quốc). Hai tiêu bản rùa Hồ Gươm được trưng bày cạnh nhau trong đền Ngọc Sơn. Trong đó có tủ trưng bày là xác rùa chết năm 1967, một bên là xác rùa năm 2016", PGS Hà Đình Đức cho biết.
Trước đó, chiều 16.12, người dân phát hiện một nam thanh niên giữ một cá thể rùa nặng khoảng 15 kg tại khu vực hồ Gươm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Sau đó, nam thanh niên đã bị lực lượng an ninh đưa về trụ sở Công an phường Hàng Trống làm việc.
Trao đổi với Lao Động, thiếu tá Vũ Thế Cường, Trưởng Công an phường Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, danh tính nam thanh niên giữ một cá thể rùa nêu trên tên Thái Hữu Hanh (sinh năm 1978, quê ở Yên Thành, Nghệ An). Tại đơn vị, đối tượng này khai, đã câu cá thể rùa ở Hồ Gươm vào chiều 16.12.
Rùa núi nâu còn được gọi là rùa nâu Châu Á. Đây là loài rùa cạn lớn nhất Châu Á với trọng lượng của con trưởng thành khoảng 25kg trong điều kiện tự nhiên và có thể lớn hơn rất nhiều nếu nuôi nhốt ở các khu bảo tồn.
Mai của rùa núi nâu tương đối thấp, có các vảy hình lục giác màu nâu đất. Các chi trước của rùa núi nâu thường có kích thước lớn hơn các chi sau và được phủ bởi lớp vảy khá to. Mỗi chân thường có 4 hoặc 5 móng vuốt sắc nhọn. Bàn chân sau của loài rùa cạn này khá rộng, giúp chúng đứng vững trong quá trình di chuyển.
Môi trường sống của rùa núi nâu là ở khu vực rừng nhiệt đới, các cao nguyên. Nhiệt độ tốt nhất để chúng sinh sống là từ 13 đến 29 độ C và độ ẩm khoảng 60 đến 100%.
Rùa núi nâu thường sinh sống ở những nơi gần nguồn nước như ao, suối và chúng không bao giờ đi quá xa những khu vực này. Khi khí hậu quá nóng thì chúng thường chui vào các khu đất ẩm hoặc dưới lớp lá cây.