Siết chặt vòng vây Điện Biên Phủ
Kinhte&Xahoi
Sau khi quân ta đánh chiếm được các cụm cứ điểm Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, Bộ Chỉ huy quân Pháp đã tăng viện cho Điện Biên Phủ một khối lượng khá lớn vũ khí, phương tiện chiến tranh, ra sức củng cố trận địa phòng ngự ở phân khu trung tâm; đồng thời tăng cường sử dụng không quân đánh phá ác liệt các trận địa, đường vận chuyển và tuyến cung cấp của ta.
Cách đây đúng 70 năm, vào hồi 17h30 ngày 30-3-1954, pháo binh ta bắn cấp tập vào các căn cứ địch, mở màn đợt 2 Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là đợt chiến đấu quan trọng nhất của chiến dịch.
Các đơn vị xung kích tấn công sân bay Mường Thanh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
Đánh chiếm các điểm cao quan trọng
Về phía ta, sau đợt 1 (ngày 13-3 đến 17-3-1954) thắng lợi giòn giã, Bộ Chỉ huy chiến dịch lập tức chỉ đạo toàn mặt trận tích cực chuẩn bị bước vào đợt chiến đấu tiếp theo.
Bắt đầu từ 17h30 ngày 30-3-1954, pháo binh ta bắn cấp tập vào các căn cứ địch, mở màn đợt 2 Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trên hướng Đông Bắc (Đại đoàn 312 đảm nhiệm), Trung đoàn 141 sau 1 giờ 30 phút chiến đấu đã tiêu diệt Tiểu đoàn 3 địch, làm chủ đồi E. Cùng thời gian, Trung đoàn 209 cũng tiêu diệt một tiểu đoàn địch và làm chủ đồi D1. Thừa thắng, Đại đoàn 312 điều Tiểu đoàn 130 tiến công cứ điểm D2, các đơn vị vừa chiếm được đồi E phát triển vào các ngọn đồi ở phía trong.
Trên hướng Đông, Trung đoàn 98 (Đại đoàn 316) tiến công làm chủ cứ điểm C1, sau 45 phút chiến đấu, diệt và bắt 140 tên địch. Cuộc chiến đấu quyết liệt nhất diễn ra tại cứ điểm đồi A1 - cứ điểm quan trọng nhất trong cụm cứ điểm phía Đông do nằm sát khu trung tâm (chỉ cách sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm 300m). Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316) và Trung đoàn 102 (Đại đoàn 308) tổ chức tiến công ba lần vào A1 (các đêm 30, 31-3 và 1-4), nhưng không dứt điểm được. Đến ngày 4-4-1954, ta chỉ chiếm được một phần ba đồi A1. Bộ Chỉ huy Chiến dịch cho Trung đoàn 102 rút về củng cố và giao cho Trung đoàn 174 phòng ngự giữ phần đồi đã chiếm được.
Ở hướng Tây Bắc sân bay Mường Thanh, Trung đoàn 36 (Đại đoàn 308) tiến công tiêu diệt các cứ điểm 106 (đêm 1-4) và cứ điểm 311 (đêm 2-4). Phía Bắc sân bay, Trung đoàn 165 (Đại đoàn 312) chiếm được hai phần ba cứ điểm 105 (đêm 3-4), nhưng sau đó địch tổ chức phản kích chiếm lại toàn bộ.
Trong tình thế khó khăn, ngày 5-4-1954, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định tạm ngừng cuộc tiến công để củng cố lực lượng. Sau 5 ngày tiến công, ta đã chiếm được các cứ điểm: E, D1, D2, C1, 106 và 311, đưa trận địa tiến công và bao vây vào sâu hơn, nhưng chưa chiếm được các cứ điểm: A1, C2 ở phía Đông và cứ điểm 105 ở phía Bắc sân bay Mường Thanh.
Về phía địch, ngày 8-4, Bộ Chỉ huy quân Pháp tiếp tục tăng viện cho Điện Biên Phủ Tiểu đoàn dù số 4. Ngày 9-4, địch tổ chức phản kích chiếm lại được nửa phía Tây đồi C1.
Bộ Chỉ huy chiến dịch hạ quyết tâm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đã đề ra cho đợt 2. Trận địa tiến công và bao vây của ta trên tất cả các hướng ngày càng tiến gần địch, có nơi chỉ cách địch từ 10 đến 15m. Các khu vực ta chiếm được như đồi E, D1 đã trở thành các cứ điểm phòng ngự vững chắc, có cả trận địa bắn của sơn pháo và súng cối thường xuyên uy hiếp địch. Ngày 16-4, chiến hào của Đại đoàn 312 và Đại đoàn 308 nối liền với nhau, chia cắt sân bay Mường Thanh. Đêm 18-4, sau nhiều ngày vây lấn, Trung đoàn 165 (Đại đoàn 312) tiến công dứt điểm cứ điểm 105 phía Bắc sân bay Mường Thanh. 2h10 sáng 23-4, sau 4 ngày đêm vây lấn, Trung đoàn 36 đã tiêu diệt cứ điểm 206.
Từ giữa tháng 4-1954, kết hợp với vây hãm, đánh lấn, các đơn vị tích cực tham gia bắn tỉa, tổ chức các đội luồn sâu, các tổ đoạt dù... Bộ đội pháo và súng máy phòng không của các đại đoàn tiến sâu vào thung lũng, tạo một lưới lửa phòng không khống chế vùng trời máy bay địch hoạt động còn lại ở Điện Biên Phủ, buộc chúng phải thả dù ở độ cao trên 3km, do đó, hơn một phần ba số dù tiếp tế rơi vào trận địa của ta.
Tạo điều kiện đi đến tổng công kích
Các hoạt động của ta gây cho địch nhiều tổn thất về sinh lực, phương tiện, căng thẳng về tinh thần. Tuy nhiên, với bản chất ngoan cố, Bộ Chỉ huy quân Pháp cố trấn an quân lính giữ vững Điện Biên Phủ đến khoảng cuối tháng 5-1954, lúc đó vào giữa mùa mưa, dự đoán phía Quân đội Việt Minh sẽ không thể duy trì chiến dịch mà phải rút lui; quân Pháp sẽ giành thắng lợi. Địch tăng cường máy bay đánh phá xung quanh căn cứ của chúng và đường tiếp tế của ta; đồng thời dùng nhiều loại bom, làm mưa nhân tạo ngăn chặn ta tiếp tế.
Đến cuối tháng 4-1954, đợt 2 chiến dịch đã kéo dài gần một tháng, thời tiết bắt đầu vào mùa mưa, bộ đội sống và chiến đấu dưới chiến hào gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch đã mở hội nghị các bí thư Đại đoàn ủy để kiểm điểm và mở đợt giáo dục chính trị, tư tưởng, tập trung đẩy mạnh công tác bảo đảm hậu cần, cải thiện một phần sinh hoạt cho bộ đội, nhằm củng cố thêm ý chí quyết chiến, quyết thắng cho cán bộ, chiến sĩ.
Ngày 30-4-1954, đợt 2 chiến dịch kết thúc. Ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 2.500 địch, đánh chiếm phần lớn các điểm cao quan trọng. Lực lượng cơ động của Pháp ở Điện Biên Phủ chỉ còn 5 đại đội, phạm vi chiếm đóng của chúng mỗi chiều chỉ còn 1,3km đến 1,7km. Địch bị lún sâu vào tình thế khó khăn nghiêm trọng, tinh thần hoang mang dao động. Ta có điều kiện đi đến tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch tại Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Trung tá, Tiến sĩ Trần Hữu Huy
(Viện Lịch sử quân sự - Bộ Tổng Tham mưu)
Theo Hà Nội mới