Sử dụng thiết bị gây tê liệt khóa thông minh: Sớm ngăn chặn để tránh hậu quả khôn lường
Kinhte&Xahoi
Trước tình trạng ô tô, xe máy, cửa cuốn tại một số tuyến phố ở thành phố Hà Nội bị tê liệt khóa thông minh, cơ quan chức năng đã vào cuộc, phát hiện 4 điểm có hiện tượng can nhiễu sóng vô tuyến gây nên hiện tượng trên. Do đó, cần sớm có các biện pháp ngăn chặn những thiết bị điều khiển từ xa bằng vô tuyến trôi nổi trên thị trường để tránh những hậu quả khôn lường.
Cán bộ Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực I (Cục Tần số vô tuyến điện) rà quét và định vị nguồn gây nhiễu tại phố Bùi Thị Xuân (quận Hai Bà Trưng).
Hàng loạt thiết bị khóa thông minh bị tê liệt
Ngày 22-6 vừa qua, hàng loạt cửa cuốn, ô tô, xe máy tại khu vực ngã ba phố Vọng - Nguyễn An Ninh, phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng) bị tê liệt khóa thông minh.
Các đơn vị chức năng đã tiến hành rà quét, phát hiện và định vị chính xác nguồn gây nhiễu là thiết bị điều khiển từ xa bằng vô tuyến để bật, tắt máy bơm nước tự động tại một hộ gia đình ở phố Vọng. Thiết bị này vô tình trùng với tần số điều khiển từ xa của các thiết bị sử dụng khóa thông minh nên đã gây nhiễu sóng trong bán kính 200m. Anh Nguyễn Văn Lâm, chủ tiệm sửa xe Lâm Nhật tại khu vực phố Vọng cho biết, ngày 22-6, một số người dân dắt xe máy tới tiệm sửa trong tình trạng không thể khởi động bằng chìa khóa thông minh...
Tiếp đó, ngày 25-6, nhiều người không mở được cửa ô tô bằng khóa từ trước một cửa hàng điện thoại trên đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ). Sau đó, cơ quan chức năng đã phát hiện bảng quảng cáo điện tử LED của cửa hàng có bức xạ trên tần số 433.845 MHz phát liên tục gây nhiễu trên băng tần dành cho thiết bị khóa thông minh. Lúc này người dân mới biết rõ nguyên nhân từ việc sử dụng thiết bị không đạt chuẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ...
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng phát hiện thêm điểm nhiễu sóng ở phố Bùi Thị Xuân (quận Hai Bà Trưng) và điểm ở phố Thụy Khuê, cạnh Bệnh viện Đa khoa Thu Cúc (quận Tây Hồ). Cơ quan chức năng đã kịp thời xử lý, ngăn chặn thiết bị hoạt động ảnh hưởng đến khóa thông minh.
Tăng cường công tác kiểm soát
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm Lê Khánh Giang cho biết, sau khi nhận được tin báo của người dân, UBND phường đã có công văn gửi Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) và sớm tìm ra nguyên nhân do thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến để bật/tắt máy bơm nước tự động tại một hộ gia đình ở phố Vọng. Để ngăn chặn tình trạng này, lực lượng chức năng đã thu giữ thiết bị. UBND phường cũng tăng cường tuyên truyền tác hại của việc sử dụng thiết bị trôi nổi tại các tổ dân phố để người dân nắm được.
Theo Giám đốc Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực I, Cục Tần số vô tuyến điện Nguyễn Phương Đông, đến nay, chưa có trường hợp nào bị xử lý do dùng thiết bị gây hiện tượng can nhiễu sóng vô tuyến, vì chưa gây hậu quả đáng tiếc. Ông Đông khuyến cáo người dân khi mua, sử dụng các thiết bị điều khiển từ xa nên tìm đến cơ sở uy tín, có chứng nhận hợp quy và thực hiện đăng ký cấp phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện... Trong thời gian tới, đơn vị sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng như thanh tra chuyên ngành, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm soát lưu động để nắm bắt tình hình, kịp thời xử lý khi xảy ra tình trạng can nhiễu sóng vô tuyến.
Về lâu dài, theo ông Nguyễn Phương Đông, đơn vị sẽ kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm thì sẽ xử lý nghiêm theo Điều 64, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP (ngày 3-2-2020) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 600.000 đồng - 1 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện nhưng không tuân thủ điều kiện kỹ thuật và khai thác; phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi sản xuất hoặc nhập khẩu thiết bị vô tuyến điện thuộc Danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện nhưng không thực hiện chứng nhận và công bố hợp quy trước khi đưa vào lưu thông trên thị trường. Đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu hoặc lưu thông trên thị trường thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện nhưng không duy trì chất lượng phù hợp với điều kiện kỹ thuật và khai thác tương ứng sẽ bị phạt tiền từ 20 đồng triệu đến 30 triệu đồng.
Dù những vụ việc xảy ra vừa qua chưa gây hậu quả nghiêm trọng nhưng nếu không có biện pháp nghiêm cấm người dân sử dụng thiết bị trôi nổi thì hậu quả là rất khôn lường. Đề nghị các cơ quan chức năng liên quan sớm tăng cường quản lý bằng việc phối hợp kiểm tra từ khâu nhập khẩu, sản xuất, lưu thông trên thị trường; tích cực tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến người dân về tác hại của việc sử dụng thiết bị gây nhiễu thông tin. Song song với đó, sớm áp dụng triệt để việc xử lý vi phạm theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ để ngăn chặn tình trạng tương tự.
Kim Vũ - Hà Nội mới