Ảnh minh họa. (Nguồn: Tạp chí Tài chính doanh nghiệp)
Vừa qua, Bộ Tài chính tổ chức Họp báo thường kỳ Quý IV/2023. Tại buổi họp báo, nhiều vấn đề được dư luận, người dân quan tâm trong thời gian gần đây. Một trong những vấn đề nổi bật được nêu ra tại buổi họp báo đó là việc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối nợ thuế bảo vệ môi trường được xử lý như nào?
Liên quan đến việc nợ thuế bảo vệ môi trường (BVMT) của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết, thuế BVMT được tính trong giá cơ sở xăng dầu, là thuế gián thu. Nhà nước giao cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện thu trên số lượng xăng dầu bán ra và nộp vào ngân sách nhà nước.
Theo ông Mai Sơn, hiện nay, số nợ thuế của các doanh nghiệp nói chung, Tổng cục Thuế đang kiểm soát chặt chẽ, các Cục thuế địa phương đã làm hết trách nhiệm của mình thực hiện các quy định về quản lý thuế.
Được biết, tại Kết luận Thanh tra Chính phủ hồi đầu tháng 1/2024 cho thấy nhiều doanh nghiệp đầu mối nợ hàng nghìn tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường, hơn 6.320 tỷ đồng đến cuối tháng 10/2022.
Về nợ thuế, trong tổng số 34 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, có gần 10 doanh nghiệp nợ.
Thực hiện theo quy định của Luật Quản lý nợ thuế, các doanh nghiệp tự khai, tự nộp, tự tính và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cơ quan thuế kiểm tra, giám sát và đôn đốc nợ thuế với nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước. Về quản lý dòng tiền của doanh nghiệp, qua thanh tra kiểm tra sẽ xử lý nếu có vi phạm.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Đức Chi, theo Luật Quản lý thuế và các văn bản liên quan, không chỉ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu mà tất cả các doanh nghiệp đều phải tự khai, tự nộp, cơ quan thuế chỉ giám sát quá trình nộp và thực hiện các hoạt động thuế… còn việc quản lý dòng tiền là của doanh nghiệp và doanh nghiệp vi phạm như thế nào thì trong quá trình thực hiện thanh tra kiểm tra thuế và các kiểm tra khác sẽ xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Lê Hải - Như Trường - Pháp luật Plus