Báo chí góp phần hình thành văn hóa giao thông

21/06/2022 10:20

Kinhte&Xahoi “Tác phẩm báo chí đã biến những quy định pháp luật vốn dĩ khô khan, khó hiểu thành những thông điệp dễ nghe, dễ hiểu, dễ làm theo, giúp bạn đọc và đông đảo Nhân dân nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, dần hình thành văn hóa giao thông trong toàn xã hội”. Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đánh giá như vậy về vai trò của báo chí góp phần hình thành văn hóa giao thông trong xã hội.

Tác phẩm báo chí đồng hành cùng nhịp sống giao thông

 Một vụ tai nạn, một điểm nóng giao thông, tình trạng người dân đi ngược chiều, chở hàng cồng kềnh, vượt đèn đỏ, lạng lách đánh võng hay đơn giản chỉ là không đội mũ bảo hiểm… đều được các phóng viên phụ trách lĩnh vực giao thông phản ánh đầy đủ, đa chiều, kịp thời để đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc.

Đơn cử, khoảng 17h10 ngày 2/3, tại khu vực đường làng Cự Khối, phường Cự Khối, quận Long Biên (Hà Nội) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Vào thời điểm trên, xe ô tô Suzuki biển kiểm soát 30F-631.86 lưu thông với tốc độ cao lao thẳng vào xe máy hất văng hai người ra xa. Chiếc ô tô chỉ dừng lại khi húc đổ mảng tường nhà dân khiến bánh trước gãy, kính vỡ vụn, đầu xe biến dạng. Ngay sau đó, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin thất thiệt có người tử vong, kèm theo hình ảnh về hiện trường vụ tai nạn.

Sau khi xảy ra vụ việc, Công an quận Long Biên đã có mặt giải quyết vụ tai nạn, đồng thời bác bỏ thông tin thất thiệt có người tử vong.

Đồng loạt báo chí cũng kịp thời có những thông tin nêu rõ khẳng định của lực lượng chức năng về vụ việc trên, vừa thông tin chính thống cho người dân không hoang mang, vừa dập tắt lời đồn thổi không đúng sự thật; Đồng thời lan truyền thông điệp “đã uống rượu bia thì không lái xe”.

Nhóm phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội tác nghiệp tại hiện trường

Các báo cũng kịp thời đưa tin về vụ việc trên. Phóng viên Dương Hiệp, báo HàNộimới chia sẻ: “Bài viết đăng tải đã nhận được nhiều lượt chia sẻ, bình luận. Phần lớn các ý kiến đều tin tưởng thông tin báo chí cung cấp và thể hiện thái độ bất bình với những tài khoản tung tin đồn không đúng sự thật về vụ việc, gây hoang mang dư luận”.

Một ví dụ khác về vai trò của báo chí đối với các vấn đề giao thông trong đời sống hằng ngày như hình ảnh những xe tự chế, xe ba bánh chở hàng cồng kềnh di chuyển trên những con phố ở Hà Nội gây mất an toàn giao thông.

Nhiều tác phẩm tin, bài đã phản ánh kịp thời thực trạng này như việc xe tự chế chở vật liệu xây dựng va chạm với xe buýt trong giờ cao điểm, cháy xe tự chế trên đường cao tốc… thu hút được sự quan tâm của dư luận.

Từ những tin bài kịp thời, đúng, trúng vấn đề thời sự mà người dân đang quan tâm, người đứng đầu UBND TP Hà Nội, ngành chức năng như Công an thành phố, lực lượng Cảnh sát giao thông đã kịp thời có chỉ đạo và áp dụng nhiều biện pháp “mạnh tay” để kiểm tra, xử phạt nghiêm trường hợp xe tự chế lưu thông trên đường.

Mặc dù không thể xử lý triệt để các trường hợp vi phạm do đặc thù địa bàn song cơ bản thành phố đã kiểm soát được những vụ việc va chạm, tai nạn liên quan đến xe tự chế.

Thực tế những bài viết, chuyên trang, chuyên mục, sự đồng hành của báo chí với lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông… đã được thực hiện thường xuyên, liên tục. Qua đó, những tin, bài phản ánh về mọi mặt của đời sống giao thông, từ chuyện đội mũ bảo hiểm thế nào để an toàn, dừng đỗ xe ra sao, đến những vấn đề về sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông… đều được phản ánh hằng ngày, hằng giờ.

Hiệu quả từ những bài báo

 Có thể kể đến những tuyến bài viết ủng hộ, đồng thuận với việc tăng cao mức xử phạt với hành vi có nồng độ cồn khi lái xe được quy định trong Nghị định 100/NĐ-CP (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt); Cấm tuyệt đối người uống rượu, bia lái xe và hoạt động kiểm soát xử phạt nghiêm của lực lượng chức năng.

Là một trong hai tác giả đoạt giải Nhất “Báo chí tuyên truyền về an toàn giao thông năm 2020” do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức với loạt bài “Cần xốc lại việc thực hiện Nghị định 100”, phóng viên Nguyễn Thị Hạnh, báo Tuổi trẻ Thủ đô chia sẻ: “Nhận thấy vấn đề an toàn giao thông là điểm nhấn quan trọng cần tuyên truyền ngay khi Nghị định 100 mới ra đời, nên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bản thân tôi với trách nhiệm là một phóng viên thời sự đã tập trung viết loạt bài. Qua tác phẩm, tôi mong muốn góp thêm tiếng nói nêu lên thực trạng, giải pháp giúp Nghị định đi sâu vào cuộc sống, tác động đến ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân.

Phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô phỏng vấn cán bộ Cảnh sát giao thông Hà Nội trong ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội vì dịch COVID-19

Mới đây, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã phát động Giải thưởng báo chí tuyên truyền về an toàn giao thông năm 2022. Đây là cuộc thi thường niên nhưng luôn thu hút được đông đảo các tác giả và nhận được rất nhiều tác phẩm dự thi.

Các phóng viên, biên tập viên, những người quan tâm đến vấn đề an toàn giao thông cho rằng, cuộc thi là động lực, định hướng giúp các tác giả có thêm nhiều tác phẩm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, góp phần tạo nên sự thành công của sân chơi đầy ý nghĩa này; Đồng thời, thông qua những bài viết có giá trị, định hướng, duy trì văn hóa giao thông trong cộng đồng, tạo nên xã hội văn minh, an toàn, hạnh phúc cho mọi người.

 Hoa Thành - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Gỡ vướng trong thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8%

Ngày 20/6/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ và Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/bao-chi-gop-phan-hinh-thanh-van-hoa-giao-thong-199222.html