Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu 3 vấn đề lớn về tài chính đất đai
Khi nộp tiền vào ngân sách mới tiến hành giao đất
Tại phiên thảo luận bàn tròn tại hội thảo chuyên đề 1 về đẩy mạnh cải cách thể chế - hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế, xã hội Việt Nam 2022 diễn ra sáng 18/9, nhiều vấn đề đáng chú ý liên quan đến giá đất được bàn thảo.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu 3 vấn đề lớn về tài chính đất đai. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương là kim chỉ nam định hướng ban hành các văn bản pháp luật trong thời gian tới. Trong đó, có 3 vấn đề về tài chính đất đai liên quan cần quan tâm.
Thứ nhất là chênh lệch địa tô. Việc quản lý mục đích sử dụng đất phải chặt chẽ, nếu không sử dụng với mục đích sản xuất kinh doanh, không còn nhu cầu sử dụng, Nhà nước sẽ thu hồi lại để bán đấu giá một cách hiệu quả hơn, tạo động lực, nguồn lực để phát triển. Ví dụ, ở một số doanh nghiệp sau khi thực hiện cổ phần hóa, có tình trạng doanh nghiệp chuyển mục đích sử dụng sang thương mại hoặc đất ở, làm thất thoát ngân sách nhà nước. "Đây là lỗ hổng lớn, vì chỉ cần một quyết định hành chính có thể làm mất đi hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng. Do vậy, cần có cơ chế bịt lỗ hổng này", người đứng đầu ngành Tài chính khẳng định.
Vấn đề thứ 2 là giá đất. Hiện có 5 phương pháp xác định giá đất nhưng chưa thật sự nhất quán, chính xác đã tạo nên một số lỗ hổng. Bộ trưởng cho rằng, sắp tới chúng ta phải rà soát lại các phương pháp xác định giá đất để tìm ra phương pháp xác định một cách phù hợp nhất, chính xác, nhất quán.
Vấn đề thứ 3, ông Hồ Đức Phớc cho rằng, phải xác định giá đất trước thời điểm để xác định giá đất không quá 6 tháng mới đảm bảo độ chính xác. Khi nộp tiền vào ngân sách mới tiến hành giao đất
Phải công khai, minh bạch
Tại phiên thảo luận, trước đề nghị nêu 3 điểm cải cách đột phá trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, điểm đầu tiên chính là liên quan quy hoạch, thể hiện được vai trò của Nhà nước trong phân bổ nguồn tài nguyên quan trọng của quốc gia một cách công bằng, dân chủ.
Điểm thứ hai là định giá đất đai công khai, minh bạch, bình đẳng để giải quyết các mối quan hệ từ Nhà nước đến doanh nghiệp và người dân. Kinh tế và tài chính đất đai khi định giá đúng sẽ thực hiện được các chính sách xã hội, chuyển từ mệnh lệnh hành chính sang từng bước sử dụng công cụ thị trường, kinh tế, hành chính thì mới giải quyết được vấn đề đầu cơ, thổi giá...
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà
Điểm thứ ba là nắm bắt được số lượng, chất lượng và kinh tế đất đai thông qua dữ liệu thông tin về đất đai. “Qua chuyển đổi số càng sớm càng tốt thì thực hiện được quyền của Nhà nước thay mặt Nhân dân giám sát nguồn lực quan trọng này ngày càng tốt; Giúp người dân tiếp cận thông tin công bằng, công khai, bình đẳng, cải cách thủ tục hành chính, phục vụ người dân thay vì gây khó khăn từ “rừng” thủ tục hành chính", ông Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Là cơ quan được giao chủ trì soạn thảo 2 dự án Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh các chính sách về đất đai tác động rất lớn đến các dự án luật này.
Xuất phát từ thực tế, dự thảo đề xuất theo hướng đảm bảo việc dành quỹ đất xây dựng nhà ở đô thị phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xây dựng và quy hoạch đô thị. Cùng với đó, chúng ta dành quy đất phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. Quy định 20% và thực hiện ở các đô thị từ loại 3 trở lên như hiện hành hạn chế nguồn quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhất là ở khu công nghiệp có nhiều lực ượng công nhân lao động. Dự thảo mạnh dạn đề xuất giao UBND các tỉnh quá trình lập quy hoạch, kế hoạch, xây dựng phải dành tỷ lệ phù hợp đầu tư phát triển các dự án nhà trên.
Anh Đức - TTTĐ