Bói bài Tarot và chiêu trò lừa đảo

17/03/2024 13:38

Kinhte&Xahoi Bói bài Tarot ngày càng được giới trẻ đam mê bởi mang đến cảm giác bí ẩn; thỏa mãn sự tò mò; hỗ trợ, trị liệu tâm lý, hay thậm chí để định hướng cho một lựa chọn quan trọng… Tuy nhiên, từ việc bói bài Tarot đã có không ít trường hợp bị lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Bói bài Tarot có phải là hoạt động mê tín dị đoan hay không?

Tarot là một bộ bài gồm 78 lá, có nguồn gốc được ghi nhận là xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng giữa thế kỷ 15 tại Italy.

Ở một số nước phương Tây, bài Tarot được xem như một hình thức tiên tri và giải tỏa tinh thần. Thông qua mỗi lá bài Tarot, Reader (người đọc bài) có thể giải mã được ý nghĩa của cuộc sống, tình cảm, công việc…

Để tìm hiểu xem việc bói bài Tarot có thực sự là hoạt động mê tín hay không thì dưới đây là một số hình thức mê tín dị đoan núp bóng "tín ngưỡng" đang tồn tại tại Việt Nam:

- Các hình thức cúng tế, lễ bái, cầu xin: cúng cô hồn, cúng sao giải hạn, xin tài lộc, cầu tự, cầu tình duyên, gia đạo, xin xăm, xin số, những hành vi hiến tế, dày vò thể xác…

- Các hình thức xem tướng, bói toán: bói chỉ tay, bói hình người, bói chân gà đầu năm, bói mai rùa, bói theo chữ viết, chữ ký, xem lá số tử vi, bói bài.

- Các hình thức bài trừ bệnh tật bằng ma thuật: trừ tà ma, đồng bóng, yểm bùa…

Theo nghĩa thông thường thì có thể hiểu "mê tín dị đoan" là có niềm tin mãnh liệt vào những điều mơ hồ, không phù hợp với lẽ tự nhiên, không có căn cứ khoa học; dẫn tới hậu quả xấu cho cá nhân, gia đình, cộng đồng về sức khoẻ, thời gian, tài sản, tính mạng; khiến họ tin vào những gì bói toán nói về vận mệnh, số phận và làm theo một cách không có căn cứ.

Từ các phân loại mê tín dị đoan trên thì việc xem tarot thuộc hình thức xem bói toán dựa trên những lá bài tarot. Tuy nhiên, nếu chỉ xem để giải trí thông thường thì việc làm này chưa được xem là mê tín dị đoan.

Tarot là hình thức giải mã những vẫn đề thông qua những lá bài.

Dịch vụ bói bài Tarot tràn lan và chiêu trò lừa đảo

Hiện nay, Tarot đã quen thuộc và xuất hiện tràn lan trong cuộc sống và trên mạng xã hội. Cụ thể, trên Facebook, Instagram, chỉ cần gõ tìm kiếm “Xem bài Tarot”, lập tức xuất hiện hàng loạt bài đăng với nhiều ngôn từ hấp dẫn thu hút.

Hay trên tiktok có rất nhiều bạn trẻ có những trang cá nhân trải bài Tarot sở hữu lượt theo dõi lớn. Thậm chí - nhiều Reader (người đọc bài) coi đây là thu nhập chính để kiếm tiền.

Dịch vụ trải bài Tarot đang tràn lan trên những nền tảng mạng xã hội.

Dù Tarot chỉ là hoạt động giải trí bình thường, không được xem là hình thức mê tín dị đoan, thế nhưng từ hoạt động “xem bài Tarot” có không ít trường hợp đã mê muội, tin bất chấp vào Tarot... Đánh vào tâm lý đó, các dịch vụ coi Tarot xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội, thậm chí có dấu hiệu trục lợi.

Và đặc biệt, có không ít trường hợp bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khi tìm tới bói bài Tarot.

Điển hình vào tháng 11/2022, Công an TP Quy Nhơn đã khởi tố Nguyễn Hoàng Minh (SN 1990 trú quận Bình Thạnh, TP HCM) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Kết quả điều tra cho thấy bằng hình thức bói bài Tarot, xem tướng, nhóm của Minh đã tiếp cận được nhiều người nhẹ dạ cả tin, trong đó có N.T.N.H.

Cụ thể, Minh dùng các lời "tiên tri" từ lá bài Tarot và "vẽ" ra những đại hạn mà chị H. và gia đình sẽ gặp phải. Tiếp đó, Minh dụ dỗ chị H., nếu muốn gia đình thoát nạn thì phải giả hạn. Minh và nhóm của mình cũng đưa ra nhiều hình thức giải hạn khác nhau, theo từng mức độ và từng giá tiền. Đối với chị H., muốn giải hết hạn thì cần phải thỉnh một bức tranh vẽ tay hình Phật với giá 2,2 tỷ đồng.

Và tin lời Minh, H đã chuyển 2,2 tỷ đồng cho Minh để mua một bức tranh vẽ tay hình Đức Phật về "giải hạn" cho gia đình…

Công an chức năng lấy lời khai của Nguyễn Hoàng Minh (Nguồn: Báo Bình Định).

Hay một “chiêu trò” khác được các đối tượng lừa đảo áp dụng, đó là khách hàng đặt lịch bói bài Tarot trên mạng và có cọc tiền để đặt lịch, nhưng khi liên hệ lại thì lại thì không nhận được phản hồi từ bên đã đặt lịch.

Trong nhiều trường hợp do số tiền đặt cọc bị mất là không lớn, nhiều khách hàng dễ dàng bỏ qua, không tìm cách đòi lại vì sợ rắc rối, mất thời gian, càng tạo điều kiện cho những kẻ gian trục lợi.

Từ những thông tin trên, việc sử dụng bài Tarot không bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc bói bài Tarot hoàn toàn có thể là hành vi vi phạm nếu người xem bói lợi dụng để tổ chức hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi, lừa đảo.

Căn cứ Điều 320 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội hành nghề mê tín, dị đoan sẽ bị xử lý hình sự như sau:

1/ Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2/ Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Làm chết người;

b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Với sức hấp dẫn của bài Tarot, nhiều bạn trẻ vẫn coi việc xem bói bài Tarot là một hình thức giải tỏa tinh thần, thậm chí tin tưởng để tìm hướng đi cho các quyết định quan trọng của bản thân…

Từ niềm tin cho đến cả tin, việc sa đà vào bói toán có thể khiến người trẻ trẻ tốn kém thời gian, tiền bạc và nặng nề hơn đó là đưa ra những quyết định sai lầm trong cuộc sống. Vì vậy, xin đừng giao phó bản thân cho những may rủi trên lá bài Tarot.

Trần Thị Thu Hiền - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hệ lụy khi giá vàng tăng cao

Vàng không còn là phương tiện thanh toán nên giá vàng biến động tác động không nhiều đến kinh tế vĩ mô.

link bài gốc https://phapluatplus.vn/boi-bai-tarot-va-chieu-tro-lua-dao-197083.html