Cả hệ thống cùng vào cuộc, nông sản được giá người dân Bắc Giang mừng vui

28/05/2021 11:21

Kinhte&Xahoi Dịch bệnh Covid-19 hiện đang diễn biến phức tạp, tại Bắc Giang nơi được xem là tâm dịch của đợt này lại đúng vào mùa thu hoạch của các loại nông sản, trong đó vải thiều là loại cây trồng đang đem lại giá trị kinh tế chính cho người nông dân nơi đây.

Trái vải giá 25 - 30 nghìn đồng/kg

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại Bắc Giang, nhiều phương án tháo gỡ nhằm tiêu thụ tốt nhất nông sản cho bà con đã được các cấp chính quyền áp dụng, triển khai. Đặc biệt, việc thông thương hàng hóa tới các tỉnh/thành phố cũng được Chính phủ chỉ đạo sát sao.

Cụ thể thời điểm này, nông dân các huyện: Lạng Giang, Tân Yên, Lục Nam, Lục Ngạn bắt đầu thu hoạch vải sớm, theo thông tin của một số chủ vườn và các hợp tác xã cho biết giá vải bán tại vườn đang được thu mua, tiêu thụ khá thuận lợi.

Hiện tại, ở huyện Lục Ngạn đã vào vụ thu hoạch vải chín sớm, dù dịch Covid-19 đang bùng phát nhưng  việc tiêu thụ diễn ra thuận lợi. Đối với sản phẩm quả vải chất lượng cao được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, được cấp mã số vùng trồng thì có giá bán ổn định từ 25.000-30.000 đồng/kg.

Mới đây vào ngày 27/5, trên mạng xã hội chia sẻ thông tin do dịch bệnh Covid-19 tại huyện Lục Ngạn giá vải xuống rất thấp, có nơi người bán bị ép giá từ 8 nghìn đồng/kg xuống còn 2 nghìn đồng/kg, thông tin này ngay lập tức được chia sẻ khá nhanh khiến nhiều người bức xúc, gây hoang mang dư luận nhất là đối với người trồng vải tại Bắc Giang.

Trước thông tin này, ông La Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, giá vải sớm tại thị trấn Chũ đang dao động khoảng 35 - 40 nghìn đồng/kg. Nên thông tin vải 2 nghìn đồng/kg là không chính xác, gây ảnh hưởng đến người trồng vải "Hiện chúng tôi đã cho cơ quan chức năng xác minh thông tin sai sự thật này và có biện pháp xử lý thích đáng", Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn khẳng định.

Thông tin vải thiều Bắc Giang bị ép giá xuống thấp là thất thiệt. Ảnh: BG.

Tính đến 27/5, tỉnh Bắc Giang đã thu 10.935 tấn vải thiều, đã xuất khẩu sang Trung Quốc 3.198 tấn, xuất khẩu sang Nhật Bản 20 tấn. Trong đó, tại Nhật Bản, hôm nay vải thiều Bắc Giang đã chính thức lên kệ với giá rất cao, lên đến 349 nghìn đồng/1kg.

Còn với thị trường Trung Quốc, tình hình xuất khẩu quả vải qua cửa khẩu Lào Cai và Lạng Sơn rất thuận lợi, riêng giá bán tại khu vực biên giới với nước ta cũng rất cao, giao động 20 - 30 nhân dân tệ/kg, tương đương 72 - 108 nghìn đồng/kg.

Dứa, khoai sọ, dưa hấu... giá ổn định, bà con phấn khởi

Theo báo cáo tình hình tiêu thụ nông sản hàng ngày tại huyện Lục Nam, cụ thể trong ngày 27/5 trên địa bàn xã Bình Sơn đã tiêu thụ được18 tấn vải giá từ 13 – 16 nghìn đồng/kg, tại xã Trường Sơn tiêu thụ được 9,5 tấn vải giá bán từ 13 – 16 nghìn đồng/kg, xã Trường Giang với tổng diện tích trồng vải là 350ha đã tiêu thụ được 270 tấn vải.

Xã Chu Điện tiêu thụ 25 tấn dưa hấu giá bán từ 4 nghìn đồng/kg; dưa lê tiêu thụ được 5,4 tấn giá bán 5 nghìn đồng/ kg; dưa bở thu hoạch 2,5 tấn giá bán 2 nghìn đồng/ kg…), tại xã Đồi Ngô thu hoạch 20 tấn dưa hấu và 4 tấn dưa lê, xã Khám Lạng tiêu thụ được 10 tấn dưa lê giá 5 nghìn/kg; dưa hấu tiêu thụ được 5 tấn với giá 4 nghìn đồng/kg.

Nông dân Bắc Giang không những vải thiều năm nay được mùa mà còn có khoai sọ, dứa và nhiều loại nông sản khác.

Bày tỏ sự vui mừng của người dân, ông Phạm Đức Cảnh cán bộ Khuyến nông và một số chủ vườn tại xã Trường Sơn, huyện Lục Nam chia sẻ: “Mới đầu bà con trồng vải lo không tiêu thụ được sợ giá xuống thấp, nhưng hiện tại được sự hỗ trợ của tỉnh Bắc Giang nên nông sản của bà con được tiêu thụ ổn định và giá cả như vậy là tốt lắm rồi, bà con cũng yên tâm hơn… Hiện tại, những khu vực, xã có người nhiễm chính quyền chỉ khoanh vùng cách ly,  nếu không có rau củ ăn thì các đơn vị và bà con ủng hộ rất nhiều không lo về thiếu nguồn rau và thức ăn nên giá cả rau quả ở đây vẫn bình thường”.

Chị Trần Thị tuyết cán bộ Khuyến nông xã Đông Hưng, huyện Lục Nam cho biết, thời tiết năm nay khá thuận lợi nên vải thiều được mùa, cho năng suất và chất lượng cao nhất từ trước đến nay. Trước do tình hình dịch bệnh chung nên giá vải có thấp hơn so với năm trước nhưng không đáng kể, người dân rất vui mừng và phấn khởi được sự quan tâm hết sức của các cấp chính quyền đưa ra các biện pháp tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn.

Vải được giá người nông dân vui mừng.

Để đạt được thành công này, huyện Lục Nam đã chỉ đạo các phòng ban quan tâm, thực hiện sát sao các biện pháp sản xuất và tiêu thụ cho bà con nông dân đảm bảo phòng dịch như: Thực hiện các thủ tục kiểm dịch tại chỗ để đảm bảo điều kiện tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; Theo dõi tình hình diễn biến giá cả thị trường thông tin rộng rãi trên các hệ thống giúp nhân dân chủ động thu hoạch và tiêu thụ nông sản, làm đầu mối hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia thu mua nông sản; Hướng dẫn thực hiện lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đối với các thương nhân, thương lái, người tham gia vận chuyển và thu mua nông sản.

Bên cạnh đó còn bố trí các điểm tập kết hàng hóa thu mua nông sản tập trung, đặc biệt để tạo điều kiện thuận lợi và an toàn cho các thương nhân, thương lái đến thu mua phải khai báo y tế theo quy định, có xác nhận của cơ quan y tế địa phương khi có được các loại “giấy tờ thông hành của quả vải an toàn” các thương lái, doanh nghiệp mới được vào ra khu vực trồng vải.

Hàng hóa, phương tiện vận chuyển được phun khử khuẩn có xác nhận của vùng sản xuất an toàn dịch bệnh Covid-19 do cơ quan y tế xác nhận ngoài ra còn bố trí lực lượng tình nguyện, dân quân và đoàn thanh niên… tham gia hỗ trợ thu hoạch, đóng gói, vận chuyển và tiêu thụ nông sản cho các hộ nông dân.

Nhằm tạo điều kiện cho các thương lái, doanh nghiệp có đủ điều kiện an toàn dịch bệnh Covid-19 vào thu mua hàng hóa chính quyền các cấp đã có phương án phân luồng giao thông, hướng dẫn lái xe đến vận chuyển hàng hóa nông sản kịp thời. Trường hợp lái xe vùng khác không vào được cần có phương án đổi lái xe tại các chốt kiểm tra y tế hoặc bố trí lực lượng bốc xếp hoàng hóa trên xe phù hợp.

Giấy tờ thông hành của nông sản an toàn trong mùa dịch Covid-19.

Mới đây, ngày 26/5/2021 Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa gửi Công văn tới các Bộ: Công thương, NN&PTNT, GTVT, Y tế, TT&TT cùng Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đề nghị tiêu thụ nông sản Bắc Giang.

Công văn nêu rõ: “UBND tỉnh Bắc Giang và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng kế hoạch… thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp… các địa phương có cửa khẩu xuất khẩu lượng lớn hàng nông sản (Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh…) phối hợp với các Bộ, ngành chức năng thông tin, hỗ trợ tỉnh Bắc Giang cũng như các địa phương khác tổ chức vận chuyển, lưu thông hàng hóa đảm bảo an toàn và thuận lợi, nhất là đối với các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn đang vào vụ thu hoạch”.

Cùng ngày (26/5) tại huyện Tân Yên, UBND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức Lễ xuất hành lô vải chín sớm huyện Tân Yên sang thị trường Nhật Bản. Với sự chung tay tích cực của các doanh nghiệp, 20 tấn quả vải thiều sớm Tân Yên đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản bằng đường hàng không. Đây cũng là lần đầu tiên tỉnh Bắc Giang xuất khẩu quả tươi chín sớm sang “thị trường khó tính Nhật Bản”  là điều đáng ghi nhận của nông sản Việt Nam.

  Xuân Thành - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thiêu thân trên sàn ảo

Những chiêu trò lừa đảo qua mạng internet không mới, song số lượng nạn nhân sập bẫy vẫn không ngừng gia tăng khiến bao gia đình tán gia bại sản, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và đời sống Nhân dân, để lại hậu quả nặng nề cho xã hội.Thực tế, 15 năm qua, rất nhiều công ty đầu tư forex gắn mác “ủy thác đầu tư” bị đánh sập sau khi huy động hàng ngàn tỷ đồng của nhà đầu tư rồi bỏ trốn như Golden Rock, VGX, HGI, BBG, IMMS, Khải Thái…

Dồn tiền vào sàn ảo - nhà đầu tư biến thành con nợ

Thông qua các sàn tiền ảo với những lời quảng cáo hấp dẫn sinh lời khủng, thu hồi vốn nhanh, kẻ lừa đảo đã khiến không ít người lao vào đầu tư như thiêu thân. Chỉ thời gian ngắn sau, cùng với sự biến mất của sàn ảo, một khoản nợ khổng lồ đã rơi xuống với những nhà đầu tư này.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/ca-he-thong-cung-vao-cuoc-nong-san-duoc-gia-nguoi-dan-bac-giang-mung-vui-d156741.html