Để không còn “giải cứu” nông sản

07/06/2021 10:08

Kinhte&Xahoi Những ngày qua, câu chuyện hỗ trợ tiêu thụ vải thiều tại Bắc Giang nói riêng, nông sản tại các vùng dịch nói chung đang trở thành vấn đề được nhiều người quan tâm. Làm thế nào để tình trạng này được hạn chế tối đa vẫn là bài toán khó đối với các cấp bộ, ngành.

 Người dân Hà Nội mua vải ủng hộ nông dân Bắc Giang trong dịch Covid-19. Ảnh: Ngô Nhung

Doanh nghiệp và nông dân phải là cặp đũa có đôi

 Trong điều kiện bình thường cũng như trong tình hình dịch bệnh, điệp khúc “giải cứu” nông sản vẫn lặp lại trong nhiều năm nay. Tuy nhiên, dường như vẫn chưa có một mô hình hay giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề. Chia sẻ về câu chuyện “giải cứu”, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, nguyên nhân của thực trạng này liên quan đến vấn đề quy hoạch, nông dân không nắm được thông tin thị trường; DN thì chưa mặn mà với nông nghiệp bởi làm nông nghiệp nhiều rủi ro. Bên cạnh những khó khăn đang hiện hữu, trong vòng xoáy của dịch Covid-19, sản xuất, xuất khẩu của nông sản Việt Nam cũng còn những hạn chế nhất định như: Trồng trọt, chăn nuôi tự phát, chưa theo quy hoạch và không gắn với chế biến; phát triển và xây dựng thương hiệu chưa được quan tâm đúng mức; chất lượng sản phẩm không ổn định…

Ở một khía cạnh khác, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhận định, việc “giải cứu” nông sản nói chung chưa thể ngay lập tức được khắc phục, bởi phương thức sản xuất nông nghiệp hiện nay còn nhỏ lẻ, manh mún; công nghiệp chế biến nông sản chưa đủ tầm. Đặc biệt, hệ thống phân phối hàng hóa chưa có sự kết nối chặt chẽ theo chuỗi giá trị. “Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là tư duy còn rất trì trệ. Nông dân thì tư duy theo mùa vụ, chạy theo số lượng, trong khi DN thì tư duy theo thương vụ. Ai cũng nắm lấy một công đoạn của sản xuất, lưu thông để giành phần lãi lớn hơn cho riêng mình. Hay nói cách khác, nông dân và DN chưa phải là “cặp đũa” có đôi” – chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy bày tỏ quan điểm.

Thực tế, liên kết trong sản xuất - tiêu thụ nông sản của Việt Nam hiện nay chưa thực sự đạt được kết quả như mong đợi. DN và người sản xuất vẫn chưa thể gặp nhau.

Thực tế, các DN hiện nay vẫn có “tư duy thương vụ”, trong khi người nông dân thì có “tư duy mùa vụ”. Nếu hai tư duy này không gặp nhau thì câu chuyện “giải cứu” nông sản vẫn không thể chấm dứt hoàn toàn.

Ngay chính Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trong phát biểu mới đây cũng thẳng thắn chỉ ra, với cơ chế thị trường hiện nay, việc chấm dứt tình trạng “giải cứu” nông sản là chưa thể làm được trong một sớm một chiều. “Trong những thời điểm nhất định, ngành nông nghiệp sẽ phải kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ nông sản, nhưng không nên dùng từ “giải cứu” vì sẽ tạo ra tâm lý thương cảm. Thay vào đó, cần có những hành động hỗ trợ cụ thể hơn” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Xây dựng kho dữ liệu nông sản

Khi sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, công nghiệp chế biến chưa đủ tầm thì “giải cứu” nông sản còn xảy ra. Chính vì vậy, cần có tư duy và hành động quản trị ngay từ khi bắt tay vào sản xuất - tiêu thụ mới có thể hạn chế tới mức tối đa thiệt hại, cũng như thúc đẩy tiêu thụ nông sản ổn định hơn.

Cụ thể hóa định hướng giải pháp nhằm tiến tới hạn chế thấp nhất tình trạng phải “giải cứu” nông sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng phải có thông tin hai chiều. Theo đó, mỗi sở NN&PTNT thuộc các tỉnh, TP phải chủ động thông tin về Bộ NN&PTNT và các hệ thống phân phối để có chỉ đạo điều hành và tham gia kịp thời. “Không thể để tình trạng lúa tràn đồng, xoài chín đầy cây rồi mới đi “giải cứu”. Đó là nền nông nghiệp không ổn định” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận.

Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, nếu không kết nối được thị trường, dù thị trường trong nước hay nước ngoài thì sẽ bị động trong tiêu thụ nông sản. Để làm được điều đó, Việt Nam cần hướng đến chuyển đổi số để nắm bắt được thông tin thị trường. Về lâu dài, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng kho dữ liệu và cập nhật thường xuyên cho các hệ thống phân phối biết rằng ở tỉnh, TP nào đang chuẩn bị thu hoạch nông sản gì, sản lượng bao nhiêu. Các hệ thống phân phối chủ động phương tiện vận chuyển, kho bãi, phương thức bảo quản và ký kết hợp đồng với đối tác. Sau đó, địa phương sẽ thông qua bưu điện để vận chuyển nông sản đến hệ thống phân phối. Khi có đủ số liệu cung – cầu thì chắc chắn sẽ hạn chế được tình trạng phải “giải cứu”.

Để giải quyết triệt để tình trạng không ăn khớp giữa sản xuất nông nghiệp - thị trường tiêu thụ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, cần thực hiện tốt công tác tổ chức sản xuất - phân phối bảo đảm cung ứng sản phẩm nông sản đáp ứng đúng yêu cầu của từng thị trường. Theo đó, cần phải bám sát và triển khai hiệu quả 3 vấn đề chính, đó là quy hoạch, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và tổ chức kênh tiêu thụ nông sản. “Đặc biệt, chú trọng các giải pháp mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ, bao gồm thị trường trong nước và quốc tế. Cụ thể hóa các nội dung này, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, xây dựng trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cũng đưa ra 3 yếu tố quan trọng để hạn chế câu chuyện phải “giải cứu nông sản”. Một là dự tính, dự báo về dịch Covid-19 cũng như thiên tai, địch họa phải kịp thời, sát với thực tế. Hai là, tăng năng lực của ngành công nghiệp bảo quản, chế biến. Ba là, cần có chương trình Quốc gia về sản xuất, tiêu dùng “xanh”, bảo đảm tiêu chí an toàn thực phẩm là số 1. Trong các yếu tố trên, chuyên gia này nhấn mạnh yếu tố thị hiếu tiêu dùng đang có sự thay đổi lớn, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh, ô nhiễm môi trường phức tạp hiện nay. Những nông sản an toàn cho sức khỏe sẽ là lựa chọn số 1 của người tiêu dùng. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng nông sản gắn với chế biến là giải pháp cần được chú trọng để hạn chế tối đa vấn đề “giải cứu” nông sản được nhận định là chưa thể chấm dứt trong một sớm một chiều.

Liên quan đến tính cấp bách của việc tiêu thụ nông sản tại Bắc Giang và nhiều địa phương khác, trong tháng 6 này, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xây dựng những mô hình tiêu thụ nông sản cho bà con vùng dịch. Đồng thời, phối hợp cùng Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam thực hiện một số chương trình kết nối, thúc đẩy giao thương nông sản…

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan

Từ đầu năm 2021, Bộ Công Thương đã triển khai các chương trình thúc đẩy tiêu thụ nông sản các tỉnh Sơn La, Bến Tre, Hải Dương qua thương mại điện tử và mang lại hiệu quả tích cực. Hiện, Bộ Công Thương đang phối hợp cùng 6 sàn thương mại điện tử lớn, gồm: Sendo, Voso (Viettel Post), Tiki, Shopee, Postmart (VNpost), Lazada triển khai những phương án thu mua, vận chuyển logistics, thương mại điện tử và chuẩn bị các hoạt động truyền thông, quảng bá sản phẩm vải thiều Bắc Giang. Việc kết nối tiêu thụ nông sản trên nền tảng số một trong những giải pháp hiệu quả, tận dụng ưu thế của công nghệ theo xu hướng 4.0.

Coi trọng công tác nghiên cứu sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản nhằm phát triển ngành này một cách bền vững, hiệu quả. Đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng các thị trường xuất khẩu để không phụ thuộc nhiều vào 1 - 2 thị trường chính. Làm được những việc này, tiêu thụ hàng hóa nông sản trong thời gian tới chắc chắn sẽ từng bước được cải thiện, đồng thời hạn chế việc “giải cứu” nông sản tồn tại từ nhiều năm nay.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú

 Trọng Tùng - Ánh Ngọc - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thiêu thân trên sàn ảo

Những chiêu trò lừa đảo qua mạng internet không mới, song số lượng nạn nhân sập bẫy vẫn không ngừng gia tăng khiến bao gia đình tán gia bại sản, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và đời sống Nhân dân, để lại hậu quả nặng nề cho xã hội.Thực tế, 15 năm qua, rất nhiều công ty đầu tư forex gắn mác “ủy thác đầu tư” bị đánh sập sau khi huy động hàng ngàn tỷ đồng của nhà đầu tư rồi bỏ trốn như Golden Rock, VGX, HGI, BBG, IMMS, Khải Thái…

Dồn tiền vào sàn ảo - nhà đầu tư biến thành con nợ

Thông qua các sàn tiền ảo với những lời quảng cáo hấp dẫn sinh lời khủng, thu hồi vốn nhanh, kẻ lừa đảo đã khiến không ít người lao vào đầu tư như thiêu thân. Chỉ thời gian ngắn sau, cùng với sự biến mất của sàn ảo, một khoản nợ khổng lồ đã rơi xuống với những nhà đầu tư này.

link bài gốc http://kinhtedothi.vn/de-khong-con-giai-cuu-nong-san-422557.html