Chuyển dịch thị trường xuất khẩu rau quả
Kinhte&Xahoi
Hai tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam chỉ đạt 534 triệu USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính là xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc, thị trường lớn nhất của Việt Nam, giảm mạnh. Trước thực trạng này, Bộ NN&PTNT khuyến cáo các doanh nghiệp cần chủ động chuyển dịch thị trường, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường truyền thống; đồng thời tập trung khai thác những thị trường lớn, tiềm năng, có giá trị cao.
Sơ chế dứa xuất khẩu tại Công ty cổ phần Chế biến nông sản Việt Xanh (tỉnh Ninh Bình). Ảnh: Hồng Giang
Tín hiệu tích cực từ trong khó khăn
Nhiều năm qua, Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 65-80% tổng kim ngạch ngành hàng này. Thế nhưng, theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, 2 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm gần 19% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 260 triệu USD. Đây là lần đầu tiên, thị trường Trung Quốc chiếm dưới 50% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản lý giải, từ ngày 1-1-2022, việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc phải thực hiện theo Lệnh 248 về “Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu” và Lệnh 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” của Tổng cục Hải quan Trung Quốc với nhiều quy định mới, chưa kể đến những quy định về đăng ký doanh nghiệp nước ngoài trực tuyến... Bộ NN&PTNT đã thông báo tới các doanh nghiệp và chỉ rõ những vướng mắc như việc Tổng cục Hải quan Trung Quốc chưa có quy định về thời gian phê duyệt cấp mã số đăng ký doanh nghiệp. Đối với sản phẩm có nguồn gốc thực vật, do mức độ đa dạng của sản phẩm nên thời điểm hiện tại, Tổng cục Hải quan Trung Quốc mới cấp khoảng 70% mã số so với danh sách đăng ký của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT)…
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, trong khi kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm thì nhiều thị trường tiềm năng lại tăng trưởng khả quan.
Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam Nguyễn Thanh Bình thông tin, trong 2 tháng đầu năm 2022 xuất khẩu rau quả sang Mỹ tăng gần 70%, đạt 46 triệu USD; Hàn Quốc tăng gần 32%, đạt 25 triệu USD; Nhật Bản tăng 12%, đạt 23 triệu USD… Cùng với đó, xuất khẩu rau quả sang Australia tăng 45,7%, Hà Lan tăng 51,5%, Nga tăng 33,9%… Đây là sự chuyển dịch thị trường có tính tích cực, giúp mặt hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng trong thời gian tới.
Dưới góc độ một doanh nghiệp chủ trương đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng cho biết: “Nhiều năm nay chúng tôi đã đẩy mạnh xuất khẩu rau quả tươi, rau quả chế biến sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) và thực tế đã chứng minh EU là thị trường chấp nhận tất cả rau quả Việt Nam được xuất khẩu vào mà không cần qua đàm phán. Tuy nhiên, EU có rất nhiều quy định và các hàng rào kỹ thuật nên sản phẩm xuất khẩu sang thị trường này phải bảo đảm chất lượng cao...”.
Triển khai nhiều giải pháp
Theo Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Lê Minh Hoan, để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng rau quả, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực chế biến, bảo đảm chất lượng. Đây là điều kiện bắt buộc để xuất khẩu sang mọi thị trường…
Đối với những vướng mắc tại thị trường Trung Quốc, Bộ NN& PTNT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc trao đổi với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ, đặc biệt là việc cấp mã số đăng ký đối với nhóm mặt hàng có nguồn gốc thực vật và nhóm mặt hàng do Bộ Công Thương đăng ký. Bộ NN&PTNT cũng sẽ cập nhật những thông tin mới nhất để khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Về vấn đề chuyển dịch và tìm kiếm thị trường mới cho rau quả xuất khẩu, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam Nguyễn Thanh Bình đề xuất, các doanh nghiệp không nên tập trung quá nhiều vào một thị trường vì sẽ có nhiều rủi ro. Dự báo, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang EU tăng khoảng 10-15% so với năm 2021, đạt gần 200 triệu USD. Thời điểm hiện tại, nhiều mặt hàng rau quả của Việt Nam đã đáp ứng được những yêu cầu khắt khe từ thị trường EU, đây là tiền đề để rau quả Việt Nam tiến sâu vào thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản, dự báo năm 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhu cầu sử dụng rau quả chế biến tiếp tục gia tăng trên toàn cầu, vì vậy, ngành rau quả Việt Nam cần tiếp tục chuyển dịch mạnh về cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng sản phẩm chế biến, giảm xuất khẩu sản phẩm tươi. Đồng thời, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tập trung đầu tư vào công nghệ xử lý, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và phát triển logistics phục vụ vận chuyển rau quả. Đây cũng là “chìa khóa” để rau quả Việt Nam mở rộng thị trường, chiếm lĩnh những thị trường mới, có giá trị cao.
Vừa nâng cao năng lực chế biến và chất lượng sản phẩm, vừa chủ động xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường, các mặt hàng rau quả Việt Nam mới có thể duy trì tăng trưởng xuất khẩu bền vững…
Đỗ Minh - Hà Nội mới