Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Lao động)
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, theo quy định hoàn thuế GTGT hiện nay đã có trong Luật Quản lý thuế, chia rõ ra 2 trường hợp là hoàn trước-kiểm sau và kiểm trước-hoàn sau. Trong cả hai trường hợp này đều có quy định về thời hạn hoàn thành, tính từ khi doanh nghiệp trình đầy đủ các hồ sơ theo quy định của pháp luật. Đối với trường hợp hoàn trước-kiểm tra sau thì quy định là 6 ngày. Còn đối với kiểm tra trước-hoàn sau, quy định là 40 ngày.
Theo thống kê, trong năm 2022, cơ quan thuế trên cả nước đã hoàn thuế trên 150.000 tỷ đồng với 20.774 quyết định hoàn thuế.
Riêng 7 tháng năm 2023, cơ quan thuế cả nước đã hoàn cho các doanh nghiệp là 70.356 tỷ đồng với 9.800 quyết định hoàn thuế.
Trong các trường hợp hoàn thuế vừa nêu, theo phân loại, gần 80% thuộc nhóm 1 là hoàn trước - kiểm sau; còn lại hơn 20% thuộc nhóm kiểm trước - hoàn sau.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc nếu chậm hoàn thuế thì trách nhiệm thuộc về ai? Lãnh đạo Bộ Tài chính phân tích, muốn xác định trách nhiệm khi chậm hoàn thuế thuộc về cơ quan thuế hay thuộc về doanh nghiệp, người dân, chúng ta cần phải xem xét đến từng trường hợp cụ thể, hồ sơ cụ thể và từ đó xác định nguyên nhân do đâu.
Tuy nhiên, đứng về phía cơ quan Nhà nước, cơ quan thuế, một khi việc hoàn thuế chậm thì cơ quan Nhà nước phải xem xét, rà soát, cải tiến để không còn việc chậm hoàn thuế nữa. Trước hết, chúng ta cần phải rà soát các quy định của pháp luật, quy trình và cách thức triển khai công tác hoàn thuế, xét điều gì chúng ta có thể cải tiến được, thay đổi được, rút ngắn quy trình này lại, vừa bảo đảm yêu cầu nhanh, chính xác, phòng ngừa rủi ro, chống gian lận, lậu thuế trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng.
Về các giải pháp đẩy nhanh quy trình hoàn thuế, đảm bảo nhanh chóng và chính xác theo đúng quy định pháp luật, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nêu ra 3 giải pháp chính:
Thứ nhất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Ngành Thuế đang triển khai tích cực trong ứng dụng công nghệ thông tin, kể cả trí tuệ nhân tạo trong việc xây dựng dữ liệu lớn (Big Data) về doanh nghiệp. Trên cơ sở phân tích dữ liệu doanh nghiệp, cơ quan thuế sàng lọc, chủ động xử lý những doanh nghiệp có rủi ro trước để giảm thiểu số lượng những doanh nghiệp phải kiểm trước và hoàn sau.
Thứ hai, nâng cao năng lực cho cán bộ của cơ quan quản lý thuế, cơ quan thuế, đồng thời nâng cao năng lực cho doanh nghiệp về hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật về thuế, nghĩa vụ thuế, chủ động, tự giác tuân thủ các quy định trong tài chính, thuế, đặc biệt là trong hoàn thuế.
Thứ ba, nâng cao kỷ cương, kỷ luật công vụ đối với cán bộ thuế. Bộ Tài chính chỉ đạo nghiêm việc thực hiện đúng với quy trình, quy phạm pháp luật, không để xảy ra hiện tượng cán bộ thuế gây khó khăn cho doanh nghiệp; xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ cố tình làm sai, làm khó doanh nghiệp. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm những vi phạm đối với doanh nghiệp nếu có vi phạm gian lận về thu, gian lận trong hồ sơ hoàn thuế.
Lê Hải - Thanh Bình - Pháp luật Plus