Đà Nẵng thay đổi quy định đối với người từ nơi khác vào thành phố

28/10/2021 10:12

Kinhte&Xahoi UBND TP Đà Nẵng ban hành công văn số 7257/UBND-SYT về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống Covid-19 trong giai đoạn hiện nay.

UBND thành phố thống nhất áp dụng các biện pháp phòng, chống Covid-19 đối với các trường hợp từ các địa phương khác đến/về thành phố Đà Nẵng như sau:

Yêu cầu chung: Trước khi đến/về Đà Nẵng, thực hiện đăng ký trên hệ thống trực tuyến của quốc gia hoặc của thành phố Đà Nẵng (ứng dụng Danang Smart City: vào mục “Đăng ký vào thành phố Đà Nẵng” hoặc vào trang https://khaibaoyte.danang.gov.vn, vào mục “Người dân khai báo, đăng ký vào thành phố Đà Nẵng”).

Đà Nẵng thay đổi quy địch đối với người từ nơi khác vào thành phố.

Thực hiện nghiêm quy định 5K và các quy định phòng, chống dịch hiện hành của Bộ Y tế và thành phố Đà Nẵng. Khi đến chốt kiểm soát dịch của Đà Nẵng, nếu có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 (sốt, ho, đau họng, khó thở, giảm hoặc mất vị giác, khứu giác…), thực hiện lấy mẫu xét nghiệm (không thu phí) trước khi vào thành phố. Khi về đến nhà/nơi lưu trú phải lập tức khai báo với chính quyền địa phương và trạm y tế phường, xã nơi lưu trú.

Đối với người đến/về Đà Nẵng từ các địa phương được xác định cấp độ 1, cấp độ 2: Tự theo dõi sức khỏe và thực hiện phòng, chống Covid-19 theo quy định hiện hành.

Đối với người đến/về Đà Nẵng từ các địa phương được xác định cấp độ dịch ở cấp độ 3: Phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước thời điểm đến Đà Nẵng (bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên). Trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm, nếu có nhu cầu vào thành phố, phải tự nguyện thực hiện tự trả phí xét nghiệm test nhanh kháng nguyên tại các chốt kiểm soát dịch. Thực hiện tự theo dõi sức khoẻ tại nhà/nơi lưu trú (có sự giám sát của tổ Covid-19 cộng đồng và y tế địa phương) đủ 14 ngày kể từ ngày rời khỏi địa phương, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14; trong đó, ngày thứ 14 xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR.

Đối với người đến/về Đà Nẵng từ các địa phương được xác định cấp độ dịch ở cấp 4 và các vùng cách ly y tế (phong tỏa): Phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước thời điểm đến Đà Nẵng (bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên).

Trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm, nếu có nhu cầu vào thành phố, phải tự nguyện thực hiện tự trả phí xét nghiệm test nhanh kháng nguyên tại các chốt kiểm soát dịch. Người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc người đã khỏi bệnh Covid-19 cần cách ly tại nhà/nơi lưu trú đủ 7 ngày kể từ ngày đến/về thành phố. Lấy mẫu xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ nhất và ngày thứ 7; trong đó, ngày thứ 7 xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR.

Người chưa tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 phải cách ly tại nhà/nơi lưu trú đủ 14 ngày kể từ ngày đến/về thành phố. Lấy mẫu xét nghiệm 3 lần vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14; trong đó, ngày thứ 14 xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR.

Trường hợp không bảo đảm điều kiện phòng, chống Covid-19 để cách ly tại nhà/nơi lưu trú thì phải cách ly tập trung hoặc cách ly tại khách sạn có thu phí. Trường hợp là người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người dưới 18 tuổi (trẻ em) thuộc diện cách ly phải thực hiện cách ly tại nhà/nơi lưu trú hoặc tại cơ sở y tế (nếu cần thiết) và có người chăm sóc cách ly cùng theo quy định.

Đối với người đến/về Đà Nẵng từ các tỉnh, thành phố có số mắc Covid-19 cao như Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Long An…: Người từ các địa phương có dịch cấp độ 1: Tự theo dõi sức khỏe và thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định hiện hành; lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất và ngày thứ 7; trong đó, ngày thứ 7 xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR.

Người từ các địa phương có dịch cấp độ 2: Thực hiện tự theo dõi sức khoẻ tại nhà/nơi lưu trú (có sự giám sát của tổ Covid-19 cộng đồng và y tế địa phương) đủ 14 ngày kể từ ngày rời khỏi địa phương, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14; trong đó, ngày thứ 14 xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR.

Đối với đoàn công tác, lái xe vận chuyển hàng hóa, vận tải hành khách… đến/về Đà Nẵng từ các địa phương có dịch ở cấp độ 3, cấp độ 4, các vùng cách ly y tế (phong tỏa): Trường hợp đến/về và lưu trú tại thành phố Đà Nẵng dưới 24 giờ phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ khi đến Đà Nẵng (bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên). Trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm, nếu có nhu cầu vào thành phố, phải tự nguyện thực hiện tự trả phí xét nghiệm test nhanh kháng nguyên tại các chốt kiểm soát dịch. Đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin phòng Covid-19. Di chuyển trên tuyến đường cố định theo kế hoạch công tác, vận chuyển; không dừng, đỗ tại địa phương có dịch khác.

Trường hợp đến/về Đà Nẵng và lưu trú tại thành phố trên 24 giờ: Người từ các phường, xã có dịch ở cấp độ 3: Về xét nghiệm phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước thời điểm đến Đà Nẵng (bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên). Trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm, nếu có nhu cầu vào thành phố, phải tự nguyện thực hiện tự trả phí xét nghiệm test nhanh kháng nguyên tại các chốt kiểm soát dịch. Thực hiện tự theo dõi sức khoẻ tại nhà/nơi lưu trú (có sự giám sát của Tổ Covid-19 cộng đồng và y tế địa phương) đủ 14 ngày kể từ ngày rời khỏi địa phương, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14; trong đó, ngày thứ 14 xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR. Trường hợp thuộc diện cách ly y tế nhưng cần phải rời khỏi Đà Nẵng khi chưa hoàn thành thời gian cách ly y tế thì phải có phương án được Sở Y tế thống nhất trước khi đến/về Đà Nẵng. 

UBND thành phố giao UBND các quận, huyện tăng cường rà soát tất cả những người đi về từ các tỉnh, thành phố có số mắc cao (như Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Long An…); chủ động giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao, nhất là những điểm có người về từ các địa bàn trên và các địa bàn dịch cấp độ 3, cấp độ 4, các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để phát hiện sớm, tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe và xử lý kịp thời các ổ dịch Covid-19; phát huy vai trò hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt là tổ Covid-19 cộng đồng trong giám sát, xét nghiệm, theo dõi y tế.

 Nguyễn Tuấn - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Gồng mình “gánh” giá, Quỹ bình ổn xăng dầu nguy cơ “bể”

Trong khi giá xăng dầu thế giới từ đầu năm 2021 đã tăng đến 76% thì mức tăng ở thị trường trong nước vẫn “kìm” ở mức hơn 50%. Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã được sử dụng tối đa, kỳ này tiếp tục chi quỹ để “kìm” mức tăng của thị trường nội địa. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp lại lâm vào tình trạng âm quỹ.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/da-nang-thay-doi-quy-dinh-doi-voi-nguoi-tu-noi-khac-vao-thanh-pho-d169522.html