Đề xuất bỏ vân tay, quê quán trên căn cước công dân gắn chip
Kinhte&Xahoi
Bộ Công an đề xuất bỏ vân tay, đặc điểm nhận dạng và thay quê quán thành nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú thành nơi cư trú... trên thẻ căn cước công dân gắn chip.
Đây là những điểm chính nêu trong dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi, đang được Bộ Công an lấy ý kiến.
Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) nêu rõ, nội dung thể hiện trên thẻ căn cước công dân được sửa đổi, bổ sung theo hướng: Lược bỏ vân tay; Sửa đổi thông tin số thẻ căn cước công dân, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ tại Luật Căn cước công dân hiện hành thành số định danh cá nhân, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú và dòng chữ "Nơi cấp: Bộ Công an".
Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, dự thảo còn bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước công dân cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam. Tuy nhiên, việc cấp thẻ cho công dân dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc như quy định của Luật Căn cước công dân hiện hành.
Về trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước công dân, đã sửa đổi bổ sung theo hướng quy định tách riêng trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước công dân công dân dưới 14 tuổi và công dân từ đủ 14 tuổi trở lên.
Với trẻ dưới 6 tuổi, nếu chưa đăng ký khai sinh sẽ thực hiện cấp thẻ căn cước khi đăng ký khai sinh. Trẻ đã đăng ký khai sinh thì cha mẹ hoặc người giám hộ thực hiện thủ tục.
Nếu trẻ đủ 6 tuổi trở lên, cha mẹ hoặc người giám hộ phải đưa đến cơ quan quản lý để thu nhận ảnh khuôn mặt khi làm thủ tục cấp căn cước.
Bộ Công an đề xuất cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Về hình thức, Bộ Công an dự kiến in trên thẻ cứng 13 trường thông tin, hình ảnh. Tại mặt trước của thẻ, số căn cước công dân sẽ đổi thành mã số định danh cá nhân, là dãy 12 chữ số. Phần quê quán được ghi thành nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú thành nơi cư trú.
Ở mặt sau, lược bỏ vân tay của ngón trỏ trái, ngón trỏ phải và đặc điểm nhận dạng. Họ tên, chức vụ, chữ ký của người cấp thẻ sẽ đổi ngắn gọn thành "nơi cấp: Bộ Công an"; bỏ chữ ký và tên người ký cấp thẻ là Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.
Việc thay đổi về thông tin trên thẻ cứng khiến nhiều người thắc mắc "có phải đi làm lại"? Tuy nhiên, dự thảo quy định các trường hợp cần đổi thẻ là người đủ 14, 25, 40 và 60 tuổi; thẻ bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên, ngày, tháng sinh; xác định lại giới tính hoặc chuyển giới; có sai sót về thông tin trên thẻ; thay đổi nơi thường trú; thay đổi nơi thường trú hoặc khi công dân có yêu cầu.
Về thời hạn cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân, Dự thảo đề xuất, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan quản lý căn cước phải cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân trong thời hạn 7 ngày làm việc.
Quốc Bảo - Pháp luật Plus