Điểm cao nhưng trượt đại học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì?

11/11/2021 14:08

Kinhte&Xahoi 165 học sinh phổ thông có số điểm cao từ 27 điểm trở lên (cộng với điểm ưu tiên đạt 30 điểm) không đỗ trường đại học nào vì đăng ký duy nhất một nguyện vọng và chủ yếu vào các trường công an, quân đội.

Các trường đặt ra quá nhiều cách xét tuyển

Tại buổi chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn tại hội trường Quốc hội sáng nay (11/11), đại biểu Trương Ngọc Ánh (đoàn Cần Thơ) nêu câu hỏi: Thời gian qua có nhiều học sinh trung học phổ thông điểm trung bình môn 9 điểm nhưng không đậu đại học là do đâu?

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn

Trả lời đại biểu Trương Ngọc Ánh, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng có nhiều nguyên nhân. Năm vừa qua, vẫn có hiện tượng một số các học sinh điểm cao nhưng không đỗ nguyện vọng nào. Cụ thể, 165 học sinh phổ thông có số điểm cao từ 27 điểm trở lên (cộng với điểm ưu tiên đạt 30 điểm) không đỗ nguyện vọng nào vì đăng ký duy nhất một nguyện vọng và vào chủ yếu các trường công an, quân đội.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, còn nguyên nhân khác là các trường đặt ra quá nhiều cách xét truyển, mỗi cách xét tuyển như vậy dành cho các nhóm thì chỉ tiêu cũng có phần ít, ảnh hưởng đến việc trúng tuyển của các thí sinh.

Bộ trưởng cho rằng, các trường hợp học sinh điểm cao trên 27 vừa nêu không trúng tuyển do những nguyên nhân nêu trên. Tuy nhiên, cũng có một vài điểm cần điều chỉnh trong việc chỉ đạo các phương án xét tuyển của trường đại học trong năm tới.

“Thực tế này cũng phải điều chỉnh ở các trường đại học. Khi việc tuyển sinh là quyền của các trường nhưng phải nằm trong quy định cho phép nên Bộ sẽ rà soát để không nên có quá nhiều phương án, gây phức tạp và rủi ro cho người đăng ký", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 11/11 (Ảnh: QH)

Dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện

 Đại biểu Trần Công Long (đoàn Bạc Liêu) tán thành cấm dạy thêm, học thêm trong tình hình học trực tuyến, tuy nhiên cần tìm căn nguyên của vấn đề này. Vấn đề dạy thêm, học thêm từ trước tới nay cấm, nhiều nơi “mật phục” để “bắt” các trường hợp giáo viên dạy thêm.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cách ứng xử với nhà giáo như thế này chưa phù hợp và cần có cách quản lý khác, nên đánh giá tác dụng, ý nghĩa của dạy thêm trong giáo dục và nhu cầu thực tiễn của phụ huynh, học sinh.

“Con em chúng tôi trưởng thành, đỗ đạt đi làm là nhờ học thêm”, đại biểu Công Long nói.

Đại biểu Long nhắc lại ý kiến của một đại biểu khác về việc tại sao ngành Y được làm thêm mà ngành Giáo dục không được dạy thêm và cho rằng giải quyết vấn đề dạy thêm cần nắm được căn nguyên, dạy thêm xuất phát từ đời sống, thu nhập của giáo viên quá thấp.

“Rất nhiều giáo viên coi dạy thêm như một kế mưu sinh”, đại biểu nói. Trong tình hình dịch bệnh 2 năm qua, đối tượng giáo viên cũng là đối tượng cần được cứu trợ. Đại biểu mong ngành Giáo dục có giải pháp căn cơ về vấn đề này.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: Việc dạy thêm đáp ứng ngoài giờ, ngoài trường và cả những người không nằm trong cơ sở giáo dục là nhu cầu không thể cấm được.

Trước đây Bộ GD&ĐT có Thông tư 17 quy định về việc dạy thêm và học thêm, đặt vấn đề rằng đây là ngành kinh doanh có điều kiện. Luật Đầu tư năm 2016 lại loại bỏ dạy thêm ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên nhiều điều khoản của Thông tư 17 không còn hiệu lực.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đề nghị dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư. Tuy nhiên, dạy thêm không được lồng ghép nội dung giảng dạy chính thức hoặc dạy trước nội dung trên lớp là bị cấm. Điều này nằm trong đạo đức nhà giáo. Nếu có các giáo viên dạy thêm như vậy mới là điều cần lên án.

 Lan Chi - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/diem-cao-nhung-truot-dai-hoc-bo-truong-bo-giao-duc-va-dao-tao-noi-gi-182698.html