Điều tiết sao cho hợp lý?
Kinhte&Xahoi
Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong tháng 9/2023, người dân gửi thêm vào hệ thống ngân hàng hơn 15.900 tỷ đồng. Mức tăng theo tháng này cao hơn so với cùng kỳ 3 năm trước. Còn so với thời điểm đầu năm, tiền gửi của cá nhân tăng 9,95%, là mức tăng cao nhất kể từ 2018.
Ảnh minh họa
Tiền gửi của dân cư “chảy” mạnh vào hệ thống ngân hàng từ tháng 10/2022, sau “cuộc đua” nâng lãi suất của các nhà băng. Cuộc “chạy đua” giai đoạn này đẩy lãi suất huy động nhích từng ngày, có thời điểm vượt 10%/năm. Các khoản tiền gửi lãi suất cao, thường có kỳ hạn 1 năm trở lên, sẽ dần đáo hạn từ tháng 10/2023 đến đầu 2024.
Dù lãi suất huy động với các khoản tiền gửi mới hiện đã xuống thấp kỷ lục, về dưới 6%/năm, nhưng tiền vẫn được gửi vào ngân hàng. Và dù lãi suất thấp, nhưng theo các chuyên gia, dòng tiền của người dân sẽ chưa dịch chuyển ồ ạt sang các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán... sau loạt biến động thị trường vừa qua.
Thống kê của NHNN cho thấy, với khối tổ chức gồm DN và các tổ chức kinh tế, có 6,23 triệu tỷ đồng tiền gửi tại hệ thống ngân hàng tính đến hết tháng 9/2023, tăng 4,65% so với hồi đầu năm. Tính chung, tiền gửi của dân cư và khối tổ chức “chảy” vào hệ thống ngân hàng đến hết quý III/2023 đạt 12,68 triệu tỷ đồng, tăng gần 7,3% so với đầu năm.
Nhưng ở một góc độ khác của bức tranh tài chính vĩ mô, chúng ta lại nhìn thấy một vấn đề khác. Theo thống kê của 16 Cty tài chính (được NHNN cấp phép), đến nay số người tiếp cận vốn vay tiêu dùng đã lên đến con số 30 triệu người. Nghĩa là dù người gửi tiền rất nhiều, thì số người có nhu cầu vay cũng nhiều không kém, thậm chí có thể nói là nhiều hơn.
Trả lời báo chí, lãnh đạo Câu lạc bộ tài chính tiêu dùng (thuộc Hiệp hội Ngân hàng) đánh giá tín dụng tiêu dùng đang trong giai đoạn khó khăn nhất trong hơn 15 năm qua. Dư nợ cho vay của nhóm Cty tài chính tiêu dùng tính tới cuối tháng 6/2023 giảm 10,2% so với cuối 2022. Nợ xấu của nhóm Cty tài chính tăng từ mức 10,7% cuối 2022 lên 12,5% cuối tháng 6/2023. Lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng cho biết dư nợ cho vay tiêu dùng giảm khoảng 70.000 tỷ đồng so với cuối 2023. Theo đánh giá, số người cần những khoản vay “nóng” từ vài triệu đến vài chục triệu vẫn rất nhiều, nhưng kinh tế khó khăn dẫn đến thu nhập của người vay sụt giảm, khiến các Cty tài chính e dè khi quyết định cho vay.
Ước tính gần 136.000 tỷ đồng là dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của 16 Cty tài chính (được NHNN cấp phép) tính đến cuối tháng 8/2023, chiếm hơn 5% dư nợ cho vay phục vụ đời sống. Lãnh đạo NHNN đánh giá tín dụng tiêu dùng là xu hướng của thế giới. Ở các nước phát triển như Mỹ, tỉ lệ tín dụng tiêu dùng chiếm tỉ trọng đến khoảng 60 - 70% tổng dư nợ cho vay.
Lãnh đạo NHNN đánh giá tín dụng tiêu dùng không chỉ đáp ứng nhu cầu chi tiêu của người dân, góp phần kích cầu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, còn giúp giảm quy mô và hoạt động “tín dụng đen”. Như trên đã nói, số người có nhu cầu vay tín dụng tiêu dùng là rất lớn, trong khi số tiền của những người có tiền gửi vào ngân hàng dù chấp nhận lãi suất không cao, cũng ngày càng tăng. Cần có giải pháp làm sao để điều tiết mối quan hệ cung - cầu này một cách hợp lý, hài hòa, an toàn có lẽ là điều cơ quan chức năng cũng cần tính đến.
Minh Khang - Pháp luật Plus