Hà Nội hướng tới nền nông nghiệp đô thị

27/10/2021 20:49

Kinhte&Xahoi Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững trong bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ đang đặt ra những yêu cầu mới đối với Hà Nội. Để giải bài toán này, TP cần có tư duy mới trong việc tổ chức nông nghiệp đô thị cùng những giải pháp hết sức căn cơ, bài bản.

Xu hướng phát triển tất yếu

Quá trình đô thị hóa của Hà Nội nói riêng cũng như các TP lớn ở Việt Nam nói chung đang diễn ra trên diện rộng, các yếu tố kinh tế đô thị có vai trò động lực cho đô thị hóa phát triển chưa tương xứng. Do vậy, phát triển các loại hình kinh tế đô thị nói chung, nông nghiệp đô thị nói riêng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây thật sự là một động lực nội tại thúc đẩy sự phát triển bền vững của TP.

 Canh tác rau thủy canh tại huyện Sóc Sơn. Ảnh: Trọng Tùng

Với việc phát triển nông nghiệp đô thị, Hà Nội không chỉ giải quyết được bài toán đưa công nghệ mới, công nghệ cao vào sản xuất, gia tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi trong bối cảnh quỹ đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp mà còn có thể phát triển các mô hình nông nghiệp chuyên biệt để cung ứng dịch vụ cho đô thị như: Cây xanh, thực phẩm an toàn cho khách sạn, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng…

Nông nghiệp đô thị có chức năng môi trường, điều hòa không khí, do vậy phải phát triển nông nghiệp hữu cơ - tuần hoàn; nông nghiệp tạo ra hệ thống cảnh quan như hệ thống cây xanh, công viên, các vành đai xanh ven đô, ao hồ điều hòa. Những sản phẩm nông nghiệp đô thị này không chỉ làm mới không gian đô thị mà còn góp phần cải thiện môi trường sống cho cộng đồng cư dân, thúc đẩy phát triển đô thị sinh thái, đô thị xanh… Đây là xu hướng phát triển tất yếu và cũng là mục tiêu mà TP hướng tới.

Mặt khác, nông nghiệp đô thị không chỉ bảo đảm lương thực, thực phẩm cho người dân Thủ đô trong bối cảnh đô thị hóa dưới tác động của biến đổi khí hậu mà còn tham gia giải quyết nhiều vấn đề trong tiến trình đô thị hóa.

Thực tế cho thấy, nhiều TP lớn trên thế giới có những ý tưởng khác nhau về phát triển nông nghiệp đô thị và đã gặt hái được không ít thành công đáng ghi nhận. Chẳng hạn như, nông nghiệp đô thị của La Habana (Cuba) đã cung cấp tới 90% thực phẩm tươi sống cho cư dân TP này.

 Nhà máy sơ chế trứng gia cầm công nghệ cao của Công ty CP Tiên Viên (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Ngọc Ánh 

Cũng cần phải khẳng định, Hà Nội có những lợi thế nhất định trong phát triển nông nghiệp đô thị. Đó là TP đã có một nền nông nghiệp đô thị từ khá sớm, phục vụ nhu cầu của người Kẻ Chợ - Kinh kỳ. Cùng với tiến trình phát triển của Thủ đô, nhiều sản phẩm, nhiều làng nghề được hình thành. Những không gian làng nghề truyền thống cùng những mô hình nông nghiệp công nghệ cao đang mở ra hướng phát triển mới của nông nghiệp Thủ đô, gắn nông nghiệp với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.

Không chỉ là một thị trường lớn với hơn 10 triệu dân, Hà Nội còn là trung tâm của nhiều cơ quan nghiên cứu về nông nghiệp nên có lợi thế trong việc thu hút nguồn lực con người và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó, Hà Nội có nhiều DN lớn trong lĩnh vực chăn nuôi, chế biến nông sản, hệ thống chợ đầu mối, siêu thị, cửa hàng tiện ích... Đây là yếu tố thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, vừa là nơi trung chuyển hàng hóa sản phẩm nông nghiệp của cả nước và xuất khẩu.

Cần tư duy quản lý, định hướng phát triển đúng tầm

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định Hà Nội hướng đến xây dựng đô thị xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại. Để làm được điều đó, cần có một tầm nhìn mới, tư duy mới trong việc tổ chức nông nghiệp đô thị và những giải pháp hết sức căn cơ, bài bản.

 Nuôi cấy đông trùng hạ thảo tại Công ty CP Dược thảo Thiên Phúc (huyện Thanh Oai). Ảnh: Phạm Hùng

Theo đó, cần thúc đẩy nghiên cứu, xây dựng quy hoạch - từ quy hoạch tổng thể đến quy hoạch chi tiết, các khu vực có hoạt động nông nghiệp đô thị theo hướng phát triển đô thị xanh, thông minh. Quy hoạch cần hài hòa với các quy hoạch khác để trở thành đô thị sinh thái, nơi đáng sống. Tuy nhiên, nếu không có tư duy quản lý và định hướng phát triển nông nghiệp đô thị đúng tầm thì Hà Nội chỉ có những mảnh ghép. Và như thế, người nông dân sẽ loay hoay bên thửa ruộng của mình; nhà khoa học sẽ ấp ủ mãi kết quả nghiên cứu và nhà quản lý luôn có lỗi với người nông dân vì không đưa ra được lời giải cho bài toán nông nghiệp đô thị.

Mục tiêu chung để phát triển nông nghiệp đô thị là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Để đạt mục tiêu này, thời gian tới, TP cần quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Trước hết, cần tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nghiên cứu và quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất giống, cây trồng, vật nuôi chủ yếu; công khai phổ biến các quy hoạch dựa trên cơ sở khoa học về phát triển sản xuất nông nghiệp đến các cấp chính quyền, DN và người dân để các chủ thể yên tâm đầu tư.

Mặt khác, bổ sung chính sách khuyến khích chuyển dịch nông nghiệp đô thị; hỗ trợ các nhóm sản phẩm chủ lực; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, con chất lượng; xây dựng chính sách phát triển dịch vụ logistics đô thị trong điều kiện xây dựng TP thông minh; tăng cường hợp tác liên kết kinh tế vùng và toàn quốc.

Đặc biệt, cần triển khai các dự án cụ thể để phát triển được nông nghiệp đô thị gồm: Nông nghiệp ven đô và nông nghiệp trong nội đô. Khai thác hiệu quả hệ thống sông, hồ thủy lợi để có đủ nước sạch phục vụ sản xuất nông nghiệp đô thị, điều hòa khí hậu. Với các khu chung cư cao tầng cần có giải pháp về nông nghiệp như: Đề nghị chủ đầu tư cần có đủ diện tích trồng cây xanh, hoa cây cảnh, dự án nông nghiệp trên sân thượng.

Ngoài ra, cần tập trung tuyên truyền để người dân hiểu hơn về đô thị hiện đại gắn với nông nghiệp công nghệ cao, nông thôn mới; đồng thời chú trọng xây dựng, hạ tầng phục vụ nông nghiệp.

Nếu không có tư duy quản lý và định hướng phát triển nông nghiệp đô thị đúng tầm thì Hà Nội chỉ có những mảnh ghép. Và như thế, người nông dân sẽ loay hoay bên thửa ruộng của mình, nhà khoa học sẽ ấp ủ mãi kết quả nghiên cứu và nhà quản lý luôn có lỗi với người nông dân vì không đưa ra được lời giải cho bài toán nông nghiệp đô thị.

 PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ NN&PTNT HÀ NỘI TẠ VĂN TƯỜNG - KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Gồng mình “gánh” giá, Quỹ bình ổn xăng dầu nguy cơ “bể”

Trong khi giá xăng dầu thế giới từ đầu năm 2021 đã tăng đến 76% thì mức tăng ở thị trường trong nước vẫn “kìm” ở mức hơn 50%. Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã được sử dụng tối đa, kỳ này tiếp tục chi quỹ để “kìm” mức tăng của thị trường nội địa. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp lại lâm vào tình trạng âm quỹ.

link bài gốc https://kinhtedothi.vn/ha-noi-huong-toi-nen-nong-nghiep-do-thi-439153.html