Hà Nội triển khai 5 nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân
Kinhte&Xahoi
Hà Nội huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển bền vững cả về số lượng, chất lượng.
Huyện Phú Xuyên tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp vừa và nhỏ làng nghề giày da Phú Yên phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Thúy Nga
UBND thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TƯ ngày 3-6-2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo.
Kế hoạch nhằm khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện đời sống, thu nhập cho nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội của thành phố.
Theo đó, thành phố phấn đấu đến hết năm 2025, trên địa bàn thành phố có khoảng 439.130 doanh nghiệp, trong đó giai đoạn 2021-2025, số doanh nghiệp thành lập mới khoảng 152.677 doanh nghiệp (số doanh nghiệp thành lập mới bình quân mỗi năm khoảng 30.535 doanh nghiệp); đến hết năm 2030 có khoảng 600.000 doanh nghiệp.
Cùng với đó, thành phố hình thành và phát triển nhiều mô hình kinh tế tư nhân, nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp ngày càng cao vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; phấn đấu tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Để hoàn thành các chỉ tiêu này, UBND thành phố triển khai 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân; mở rộng khả năng tham gia thị trường của kinh tế tư nhân và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng; phát triển kết cấu hạ tầng và tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực của kinh tế tư nhân; tập trung hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thống nhất nhận thức, tư tưởng về phát triển kinh tế tư nhân.
Thúy Nga - Hà Nội mới