Hạ tầng hàng không đang kìm nén sự phát triển kinh tế miền Tây
Kinhte&Xahoi
Tình trạng chen chúc nhau ở sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) trái ngược hoàn toàn với cảnh thưa thớt tại cảng hàng không Cần Thơ nói lên câu chuyện về hạ tầng hàng không, từ đó ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế các tỉnh phía Nam nói chung, miền Tây nói riêng.
Kẻ ăn không hết, người lần không ra
Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP HCM) nhiều năm qua đối mặt với tình trạng quá tải vì các đường bay nội địa và quốc tế đổ dồn về, đặc biệt sau dịch COVID-19 được kiểm soát thì lưu lượng người di chuyển qua cảng hàng không tấp nập hơn.
Theo số liệu của Cảng vụ Hàng không miền Nam cho thấy tổng chuyến bay qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất dao động trong ngày khoảng 733 lượt chuyến, trong đó có 365 chuyến bay đi và 368 chuyến bay đến, với hơn 59.900 lượt ở chiều đi và khoảng 55.000 lượt khách đến TP HCM và các tỉnh phía Nam.
Cảnh đông nghẹt người tại sân bay Tân Sơn Nhất
Dù khách quốc tế chưa hồi phục mạnh và số lượng chuyến bay quốc tế đi/đến chưa nhiều như kỳ vọng nhưng nhu cầu đi lại trong nước tăng mạnh. Một tín hiệu khởi sắc rất đáng mừng cho không vận Việt Nam.
Đáng nói, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất nhộn nhịp đến quá tải bao nhiêu thì cùng thời điểm này, sân bay suốc tế Cần Thơ lại vắng vẻ như vốn dĩ bao lâu nay bấy nhiêu.
Một phần tại đây vẫn còn nghèo về các đường bay nội địa, dịch vụ còn khá thô sơ, tuyến bay quốc tế vẫn còn là ẩn số chưa được giải mã. Mặt khác cũng còn nhiều lý do không tên mà chỉ có người trong cuộc mới tường tận!
Khi thế mạnh đang bị lép vế
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm kinh tế, đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 65% thủy sản và 70% trái cây xuất khẩu cả nước. Nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của vùng đất "Chín Rồng" từ 17 - 18 triệu tấn/năm. Nơi đây có dân số 17.367.169 người, đứng vị trí thứ 3 trong 6 vùng kinh tế - xã hội của quốc gia (cập nhật vào tháng 9/2021).
Sân bay quốc tế Cần Thơ vắng vẻ hành khách
Tuy nhiên, thế mạnh đó vẫn còn âm ỉ bởi những bất cập gây cản trở phát triển, đó là hạ tầng giao thông thủy - bộ, đặc biệt là chưa có sự liên kết vùng... Chính sự đầu tư chưa được quan tâm, trình độ dân trí nằm ở vùng trũng so với mặt bằng chung của cả nước khiến cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế xã hội luôn lẹt đẹt phía sau. Tất cả là sức nặng trì níu cánh “rồng” không thể bay cao.
Thực trạng, bối cảnh đó hiện hữu rất rõ trên vùng đất "Chín Rồng". Có lẽ đây là nguyên cớ khiến sân bay Cần Thơ chưa khởi sắc, hoạt động mang tính thăm dò, vọng tưởng hay còn có nguyên do nào khác?
Trở lại với câu chuyện kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long dẫu chưa phát triển đúng mức nhưng nhu cầu đi du lịch, công tác, học tập hay thăm thân ở nước ngoài của 17 triệu dân, trong đó có hàng ngàn lãnh đạo doanh nghiệp là rất cấp thiết.
Nhiều năm qua, cứ ngỡ rằng, khi Tây Đô có sân bay quốc tế thì sẽ giải tỏa được cơn khát “thuận tiện - nhanh chóng - kinh tế” cho người dân miền Tây ngẩng cao đầu cho bằng chị bằng em.
Trong khi dân số của Đồng bằng sông Cửu Long chiếm gần 1/3 dân số cả nước mà bắt họ cứ phải dồn về TP HCM để bay. Hết sức vô lý! Chẳng lẽ ngành Giao thông vận tải không thấy được. Chính sự bất cập đó làm tăng thêm quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất là điều rất dễ hiểu.
Do đó, sân bay quốc tế Cần Thơ phải khởi động thêm tuyến là giải pháp tốt nhất hiện nay thay vì đang để lãng phí hạ tầng. Giờ là lúc các Bộ, ngành cần bắt tay vào tháo gỡ nhanh những vướng mắc đó không thể chậm trễ hơn nữa!
Khánh My - TTTĐ