Kích cầu nội địa: Giải pháp tạo đà phục hồi sản xuất
Kinhte&Xahoi
Tập trung tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy liên kết, hợp tác, kích cầu thị trường nội địa... Đây là những giải pháp trọng tâm của nửa cuối năm 2023 đang được thành phố Hà Nội tích cực triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Khách hàng chọn mua sản phẩm tại Hội chợ xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP Hà Nội năm 2023. Ảnh: Đỗ Tâm
“Điểm sáng” thương mại, dịch vụ
Trong 6 tháng đầu năm 2023, mặc dù nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn và có dấu hiệu suy giảm, doanh số bán lẻ tại một số nền kinh tế lớn trên thế giới như các nước châu Âu, Mỹ đều tăng chậm, nhưng thị trường trong nước vẫn giữ được mức tăng trưởng tích cực.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, khu vực thương mại, dịch vụ duy trì đà tăng trưởng tích cực, tiếp tục là điểm sáng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng chung của thành phố. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 369.000 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2022 tăng 16,5%). Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 235,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 63,8% tổng mức và tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trước những khó khăn của thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp, ngành hàng đang đặt kỳ vọng lớn vào thị trường tiêu thụ nội địa trong năm 2023.
Về vấn đề này, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 - CTCP Thân Đức Việt cho biết, với quy mô dân số 100 triệu dân, Việt Nam sẽ là thị trường tiêu dùng hàng dệt may tiềm năng cho các doanh nghiệp. Hiện, May 10 đang tập trung vào định vị sản phẩm, thị trường và quản trị công nghệ cũng như mô hình sản xuất để có hướng đi phù hợp; đồng thời tái cấu trúc, chuyển đổi số, sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu xanh để đáp ứng tiêu chuẩn và phát triển.
Ở góc độ bán lẻ, Sở Công Thương Hà Nội đang vận động các đơn vị bán lẻ tăng chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và chi phí khác để giảm áp lực tăng giá bán. Thông qua hoạt động này, doanh nghiệp bán lẻ liên tục triển khai các chương trình khuyến mãi giảm giá hàng hóa vượt mức 50%.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội đã và đang chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và các chương trình xúc tiến thương mại.
Triển khai đồng loạt các giải pháp kích cầu nội địa
Để thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức các chương trình khuyến mại kéo dài hơn, giảm giá sâu hơn, nhất là vào những tháng thấp điểm tiêu dùng để kích cầu thị trường. Hiện, Sở Công Thương Hà Nội đã nhận được 21.000 chương trình khuyến mại của 4.000 doanh nghiệp đăng ký tham gia.
Mặt khác, từ đầu tháng 7, thuế giá trị gia tăng (VAT) được giảm từ 10% xuống còn 8% theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội đối với nhiều mặt hàng. Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này. Đây được xem là động thái tạo cú hích cho tăng trưởng tiêu dùng nửa cuối năm.
“Khi giảm thuế thì các doanh nghiệp sẽ phải rà soát, tính lại giá thành của sản phẩm, cùng với các đơn vị bán lẻ đưa ra chính sách giá phù hợp nhất, kích thích mua sắm từ người tiêu dùng. Đối với doanh nghiệp, việc giảm thuế VAT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi”, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhận định.
Để tiếp tục thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đặt ra, từ nay đến cuối năm, thành phố Hà Nội sẽ triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trực tiếp đến từng dự án, đồng thời kiến nghị các bộ, ngành trung ương kịp thời giải quyết vướng mắc liên quan đến các dự án đầu tư (nhất là các lĩnh vực về xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại, chợ, lĩnh vực năng lượng…).
Cùng với đó là đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, khắc phục xu hướng tăng chậm lại của sản xuất công nghiệp, nâng cao sức mua hàng hóa và dịch vụ, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa; tiếp tục thực hiện các giải pháp tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, trong đó chú trọng sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm công nghiệp chủ lực; đẩy mạnh lưu thông các sản phẩm hàng hóa của Hà Nội, nhất là sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm); thúc đẩy liên kết, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ sở đào tạo dạy nghề và với các địa phương...
Thành phố Hà Nội cũng giao các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động nắm tình hình và tăng cường phối hợp, đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh và thực hiện các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng.
Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, mục tiêu chủ yếu đặt ra với lĩnh vực thị trường trong nước là thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa với gần 100 triệu dân, phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 đạt 8-9%.
“Từ nay đến hết năm 2023, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và phát triển thị trường trong nước, thực hiện biện pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại thị trường trong nước”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Thanh Hiền - Hà Nội mới