Kiến nghị bỏ điều kiện kinh doanh mua bán nợ, xuất khẩu gạo

29/10/2018 08:25

Kinhte&Xahoi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa đề xuất bãi bỏ khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện đối với 22 ngành nghề và thu hẹp phạm vi kiểm soát điều kiện kinh doanh đối với 10 ngành nghề khác.

Trong một văn bản mới đây gửi Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) kiến nghị sửa đổi Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện tại Luật đầu tư (sửa đổi) năm 2016, VCCI cho rằng, việc ban hành Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Luật đầu tư năm 2014 là một bước tiến lớn về việc minh bạch hóa chính sách về ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Qua đó, cộng đồng doanh nghiệp có thể nhận diện được các ngành, nghề để lựa chọn các quyết định đầu tư, cũng như giám sát các cơ quan nhà nước khi thực thi các chính sách quản lý hoạt động kinh doanh.

Ảnh minh họa

Năm 2016, Danh mục này được sửa đổi, bổ sung, từ 267 xuống còn 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Việc sửa đổi Danh mục này đã loại bỏ rất nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn. Tuy nhiên, Danh mục hiện tại của Luật Đầu tư  sửa đổi năm 2016 vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần được tiếp tục đánh giá, rà soát, xem xét để sửa đổi.

VCCI đã tiến hành rà soát 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh trong Danh mục và nhận thấy 22 ngành nghề kinh doanh cần được xem xét để bãi bỏ ra khỏi Danh mục. Trong số các ngành nghề này có: Hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại (Mục 17), Kinh doanh dịch vụ kế toán (Mục 20), Kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế (Mục 22), Kinh doanh dịch vụ làm thủ tục hải quan (Mục 23), Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ (Mục 36), Sản xuất, sửa chữa chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (chai LPG) (Mục 43), Xuất khẩu gạo (Mục 55), Kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh (Mục 57), Kinh doanh dịch vụ Logistics (Mục 60), Kinh doanh dịch vụ việc làm (Mục 73), Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô (Mục 78)...

Trong danh mục này, còn có các ngành nghề như: Kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư (Mục 119), Kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành cơ sở hỏa táng (Mục 120), Sản xuất mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy (Mục 203).

Ngoài ra, một số ngành nghề trong lĩnh vực văn hóa cũng được đề xuất bãi bỏ ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong văn bản nói trên, gồm kinh doanh dịch vụ sản xuất, phát hành và phổ biến phim (Mục 206), kinh doanh dịch vụ lữ hành (Mục 210) và kinh doanh dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, tổ chức thi người đẹp, người mẫu (Mục 212)…

Đồng thời, VCCI cũng kiến nghị 10 ngành nghề kinh doanh cần được thu hẹp phạm vi kiểm soát điều kiện kinh doanh, trong đó có: Kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương (Mục 52); Nhượng quyền thương mại (Mục 59); Kinh doanh thủy sản (Mục 150);  Kinh doanh thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi (Mục 151);  Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (Mục 161); Kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Mục 172); Kinh doanh phân bón (Mục 174); Kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi (Mục 176)....

 

Theo Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đổi USD ở đâu là hợp pháp?

Đổi ngoại tệ thành Việt Nam đồng là một giao dịch tương đối phổ biến. Tuy nhiên không phải ai cũng biết quy định của pháp luật về vấn đề này.

Năm 2018: Dư nợ tín dụng có thể tăng 15,22%

Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng 4,52% trong Quý IV/2018 và tăng 15,22% trong năm 2018 trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động vốn và cho vay được các tổ chức tín dụng (TCTD) dự báo tiếp tục duy trì ổn định trong Quý IV/2018 và cả năm 2018.