Kiệt sức khi tăng ca, làm thay công việc cho đồng nghiệp F0

03/03/2022 07:48

Kinhte&Xahoi Mệt mỏi, kiệt sức và áp lực khi phải đảm làm quá nhiều công việc thay cho đồng nghiệp bị F0 là thứ mà rất nhiều dân văn phòng, đặc biệt là giới trẻ phải chịu khi tình hình dịch bệnh COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp.

Khi hầu hết công ty, doanh nghiệp ở Hà Nội yêu cầu nhân viên trở lại làm việc trực tiếp, cho phép nhiều hoạt động được phép mở lại, số ca mắc COVID-19 tại các văn phòng, công sở có xu hướng tăng. Nhiều người phải chấp nhận khối lượng công việc gấp 2, 3 lần hay mang việc về nhà khi đồng nghiệp trở thành F0.

Đi làm trở lại sau khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán chưa được bao lâu, số ca mắc COVID-19 tại công ty của Thùy Trang (24 tuổi, nhân viên kinh doanh) đang ngày càng tăng lên. Hiện tại, cả công ty hơn 40 người chỉ còn khoảng 10 người đi làm tại văn phòng và Trang là một trong số đó.

Thùy Trang cảm thấy kiệt sức khi đi làm về muộn, đêm cũng phải thức để hoàn thành nốt việc còn đang dở khi đồng nghiệp liên tục trở thành F0

Nữ nhân viên 24 tuổi cho biết từ giữa tháng 2 đến hiện tại chưa hôm nào có thể về nhà trước 20h. Phụ trách thêm một phần việc của kế toán, nếu không muốn việc hôm nay bị dồn sang ngày mai hay phải nghe tiếng chuông điện thoại reo liên tục, Trang phải phải tăng ca ngay cả khi về nhà.

“Phòng có 7 người thì 6 F0 rồi, còn mỗi mình đi làm thôi. Có vài người bị nhiễm bệnh nhưng không triệu chứng đã chuyển sang làm việc ở nhà. Làm việc ở trạng thái bình thường nhiều khi còn chưa đạt 100% hiệu suất thì khi bị nhiễm bệnh, công việc càng vất vả hơn. Đó cũng là lý do những người còn khỏe như mình sẽ phải nhận nhiều việc hơn.

Mình cảm thấy kiệt sức khi đi làm về muộn, đêm cũng phải thức để hoàn thành nốt việc còn đang dở. Mình chỉ hy vọng tình trạng này sẽ sớm kết thúc. Mình thực sự thèm một ngày được ngủ mà không bị đánh thức giữa chừng, cũng không cần phải đặt báo thức vào sáng Chủ nhật nữa”, Thùy Trang nói.

Nếu như vào thời điểm này mọi năm, Quang Lương (25 tuổi, nhân viên kiểm toán) thường cùng các người bạn trong công ty lên kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến du lịch vào cuối tháng của cả nhóm thì năm nay, văn phòng công ty lại trở thành nơi ăn chốn ngủ để Lương “gồng gánh” công việc cho chính những đồng nghiệp của mình.

Chỉ trong một tuần, cả cơ quan của Lương có tới hơn 20 F0 và họ phải điều trị cách ly tại nhà. Số ít người vẫn còn chưa mắc bệnh hay vừa mới khỏi bệnh như Lương được yêu cầu đi làm đầy đủ, không xin nghỉ phép trong thời gian này vì công ty vừa có hợp đồng mới phải thực hiện.

Thay vì du lịch vào thời gian này giống như những năm trước, Quang Lương đang phải làm tăng ca mỗi ngày để hoàn thành phần việc cho nhiều đồng nghiệp khác

“Trước khi công ty có nhiều người mắc COVID-19, giám đốc đã thông báo rằng đợt này công ty đang phải hoàn thành tiến độ cho nhiều dự án nhiều dự án nên mọi người cố gắng tạm hoãn các kế hoạch cá nhân, ưu tiên cho công việc.

Thêm vào đó, nhiều người là F0 đang phải ở nhà dài ngày, số công việc trực tiếp cần làm tăng thêm gấp nhiều lần so với có thể làm online nên mình bận tối mặt tối mũi. Mình không thể xin nghỉ phép hay đi du lịch nữa.

Phải làm tăng ca nhưng mình cũng chưa thấy thông báo về lương thưởng gì. Chỉ mong mọi người mau khỏe, sớm đi làm trở lại để những người phải đến công ty như mình sẽ bớt vất vả hơn”, Lương chia sẻ.

23h thứ 7, Hoàng Yến (24 tuổi, nhân viên thiết kế và xử lý truyền thông) vẫn ngồi trước màn hình máy tính, nhận tin nhắn về các phần việc mới và cập nhật tiến độ công việc đang phải xử lý cho trưởng phòng. Dù mệt mỏi, kiệt sức và buồn ngủ, Hoàng Yến vẫn phải cố gắng uống một cốc cà phê và hoàn thành nốt phần việc trong ngày để chuẩn bị đối mặt khối lượng công việc “đồ sộ” đang chờ trong tuần mới.

Từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, chưa ngày nào bộ phận của Hoàng Yến có đầy đủ nhân sự. Yến cùng trưởng phòng của mình đang phải hoàn thành công việc của 8 người khi những đồng nghiệp khác liên tục nhiễm COVID-19, có những người bị khá nặng, không có khả năng để ngồi làm việc.

Hơn nửa tháng trời, Hoàng Yến không thể về ăn cơm cùng gia đình mỗi tối hay nghỉ ngơi vào dịp cuối tuần

“Cứ mỗi ngày lại có thêm người bị nhiễm bệnh. Hồi đầu, mình còn cảm thấy may mắn hay nói đùa với mọi người là vẫn “bất tử” vì vẫn khỏe mạnh, trụ vững nhưng càng về sau lại càng cảm thấy mệt mỏi, áp lực vì khối công việc ngày càng cao lên”, Yến nói

Hơn nửa tháng qua, Hoàng Yến không có bữa tối nào cùng gia đình. Cô gái 24 tuổi thường ăn tối tại văn phòng sau đó cố gắng giải quyết xong phần việc cần hoàn thiện trong ngày. Thậm chí đến cuối tuần, Yến cũng chỉ ở nhà được vài tiếng sau đó lại có mặt tại công ty.

“Mình chưa từng nghĩ tới sẽ có giai đoạn phải làm nhiều như vậy nhưng thật sự đó là điều mà không ai mong muốn cả. Có nhiều ngày, mình cảm thấy cơ thể chắc chỉ cần gió thổi là ngã. Mình rất sợ bị nhiễm bệnh và còn may mắn là mệt về công việc chứ không phải trở thành F0”, Yến bày tỏ.

 Trung Đức - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kinh tế Hà Nội phục hồi rõ nét

Theo Cục Thống kê Hà Nội, tính chung 2 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 1,8%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 4,3%; công nghiệp khai khoáng giảm 1,8%.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/kiet-suc-khi-tang-ca-lam-thay-cong-viec-cho-dong-nghiep-f0-190929.html