Chiều 28/12, Cục Thống kê Hà Nội họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội TP Hà Nội năm 2022.
Quang cảnh họp báo
GRDP của Hà Nội tăng cao nhất nhiều năm lại đây
Theo đó, năm 2022, GRDP của TP ước tính tăng 8,89% so với năm 2021, vượt kế hoạch đề ra (7,0% - 7,5%). Đây là mức tăng khá cao so với mức 2,92% của năm 2021 và 3,94% của năm 2020, và là mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Thể hiện sự quyết tâm của Đảng bộ và chính quyền TP, sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp và sự đồng lòng của toàn thể Nhân dân Thủ đô trong thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đẩy mạnh phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Ngay từ đầu năm, Thành ủy, HĐND, UBND TP đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương chủ động, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, bảo đảm phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn; tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở cửa trở lại các hoạt động kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn tạo động lực cho ngành dịch vụ phát triển; ưu tiên khôi phục hoạt động văn hóa, xã hội trên địa bàn. Nhờ đó, kinh tế - xã hội TP phục hồi tích cực và đạt kết quả quan trọng, khá toàn diện” - Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội Đậu Ngọc Hùng nói.
Theo ông Đậu Ngọc Hùng, sự phục hồi rõ nét ở hầu hết các ngành, đặc biệt là 2 ngành dịch vụ và công nghiệp.
Cụ thể: Khu vực dịch vụ năm 2022 ước tính tăng 10,06% so với năm 2021, đóng góp 6,44 điểm % vào mức tăng GRDP. Trong năm các hoạt động kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, văn hóa, thông tin… được đẩy mạnh trong trạng thái bình thường mới, tạo đà phục hồi ngành thương mại, dịch vụ. TP đã tăng cường thực hiện các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng, phát triển các loại hình kinh doanh đa dạng, phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, hướng đến thị trường tiêu dùng thông minh, đồng thời kết nối nhanh hơn giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2022 tăng 7,74% so với năm 2021, đóng góp 1,75 điểm % vào mức tăng GRDP, trong đó ngành công nghiệp tăng 8,03%, đóng góp 1,14 điểm %. Năm 2022, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò quan trọng với mức tăng 8,11%, đóng góp 1,04 điểm % nhờ các doanh nghiệp sản suất đã nối lại chuỗi cung ứng bị gián đoạn sau 2 năm chịu ảnh hưởng dịch Covid-19
Ngoài ra, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 tăng 2,58% so với năm trước, đóng góp 0,06 điểm % vào mức tăng GRDP; Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả năm ước tính đạt trên 58 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 17,1 tỷ USD, tăng 10,3%; nhập khẩu hàng hóa đạt 40,9 tỷ USD, tăng 16,9%. Du lịch khởi sắc, phục hồi sau đại dịch. Năm 2022, TP Hà Nội được công nhận là “Điểm đến du lịch TP hàng đầu châu Á” và “Điểm đến du lịch TP hàng đầu Thế giới” với tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội cả năm ước đạt 2,6 triệu lượt người , gấp 2,4 lần năm 2021.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2022 ước thực hiện 333.000 tỷ đồng, đạt 106,8% dự toán pháp lệnh năm và tăng 2,7% so với năm 2021. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện (đạt 13,8%, kế hoạch là 10,5%); Sô doanh nghiệp thành lập mới tăng, TP cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 29.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 23% so với năm 2021. Thu hút FDI đạt 1.692 triệu USD, tăng 10,3% so với năm 2021.
Phát huy những kết quả của năm 2022, năm 2023, Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP khoảng 7,0%, GRDP/người khoảng 150 triệu đồng, vốn đầu tư thực hiện tăng 10,5%, kim ngạch xuất khẩu tăng 6%...
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các khâu đột phá
Năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Tăng trưởng có xu hướng chậm lại; nguy cơ suy thoái kinh tế và các rủi ro về tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, lương thực gia tăng; khó khăn có thể còn nhiều hơn năm 2022. Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng đề ra, Cục Thống kê Hà Nội cho rằng, cần tiếp tục củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng; nâng cao năng lực khả năng chống chịu và thích ứng của kinh tế Thủ đô.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các khâu đột phá. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ vướng mắc ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư. Tập trung vào các dự án trọng điểm; Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, các hoạt động khoa học-công nghệ, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp; Tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền số, nâng cao thứ hạng các chỉ số PCI, PAR Index, PAPI…; Tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp…
Trâm Anh- KTĐT