Du lịch phục hồi
Trong quý I/2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tính tăng 2,11%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Điểm nhấn tăng trưởng quý I của Hà Nội là khu vực dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế TP tiếp tục duy trì tăng trưởng khá với mức tăng 7,4%, đóng góp 5,64%.
Du lịch, dịch vụ là một trong những điểm sáng của kinh tế Hà Nội quý I/2023
Ngay từ đầu năm, ngành du lịch Thủ đô đã chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, điểm đến, các sản phẩm du lịch mới trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước và quốc tế. Với thông điệp “Hà Nội điểm đến an toàn cho du khách” đã tạo sức lan tỏa lớn, thu hút khách đến Hà Nội.
Tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội quý I năm 2023 ước đạt 1,1 triệu lượt người, gấp hơn 3,2 lần cùng kỳ năm 2022. Riêng khách quốc tế đạt 712.000 lượt người, gấp 15 lần cùng kỳ năm trước (quý I/2022 khách quốc tế đạt 47.500 lượt người, giảm 7,2%). Ngoài ra, khách nội địa đạt 339.000 lượt người, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2023 tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội quý I năm 2023 ước đạt 1,1 triệu lượt người, gấp hơn 3,2 lần cùng kỳ năm 2022.
Hoạt động vận tải những tháng đầu năm tiếp tục tăng trưởng cao. Tổng doanh thu vận tải và bưu chính chuyển phát quý I/2023 ước tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vận tải hành khách tăng 29,5%; Vận tải hàng hóa tăng 19,7%.
Bên cạnh những điểm sáng trong bức tranh kinh tế Hà Nội, đã xuất hiện những khó khăn thách thức. Theo đó, tăng trưởng kinh tế của TP vốn được dẫn dắt bởi ngành công nghiệp - xây dựng đã tăng chậm lại. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) chỉ tăng 0,8%, mức tăng thấp trong nhiều năm gần đây. So với cùng kỳ, chỉ số IIP quý I các năm 2020 - 2023 lần lượt tăng 4,4%; 7,7%; 5,3%; 0,8%.
Quý I/2023 chỉ số tiêu thụ sản phẩm công nghiệp giảm 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số này giảm do sức mua yếu, thị trường đầu ra 3 tháng đầu năm gặp khó khăn, trong đó một số ngành sản xuất có chỉ số tiêu thụ giảm mạnh như: Máy móc, thiết bị giảm 40,9%; trang phục giảm 32,2%; kim loại giảm 30,6%; dệt giảm 27%.
Kéo theo chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Hà Nội tăng 11,1% so với cuối tháng trước và tăng 15,1% so với cuối quý I/2022. Lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp ước đến cuối tháng 3/2023 giảm 0,2% so với cuối tháng trước và giảm 4,1% so với cùng thời điểm năm trước. Ước tính quý I/2023, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp giảm 3% so với quý I/2022.
Kim ngạch xuất nhập khẩu của TP những tháng đầu năm có xu hướng giảm, trong đó hầu hết các thị trường xuất, nhập khẩu lớn của Hà Nội giảm sút. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa quý I/2023 ước đạt 11,9 tỷ USD, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 3,7 tỷ USD, giảm 4,6%; nhập khẩu đạt 8,2 tỷ USD, giảm 12%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) chỉ tăng 0,8%, mức tăng thấp trong nhiều năm gần đây. So với cùng kỳ, chỉ số IIP quý I các năm 2020 - 2023 lần lượt tăng 4,4%; 7,7%; 5,3%; 0,8%.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tận dụng kinh tế số
Theo Cục Thống kê TP. Hà Nội, kinh tế - xã hội TP Hà Nội quý I/2023 diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp, tăng trưởng năm 2023 còn ở mức thấp; hoạt động thương mại đang chậm lại, chuỗi cung ứng tiếp tục bị suy yếu, nhu cầu tiêu dùng giảm, xung đột kéo dài ở Ukraine đã ảnh hưởng đến sản xuất và xuất nhập khẩu của nhiều quốc gia. Trong tháng 3/2023 phát sinh sự kiện sự sụp đổ liên tiếp các ngân hàng lớn của Mỹ.
Kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2023 cho thấy: Có 21,6% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn quý IV/2022; 38,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 40% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.
Hà Nội tập trung hoàn thành các dự án trọng điểm. Ảnh minh hoạ: Công trình xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2
Theo TS Võ Trí Thành, các TP trên cả nước cũng có mức tăng trưởng giảm mạnh, đặc biệt là ở khu vực chế biến chế tạo. Trong khi đó, khu vực ngành công nghiệp - xây dựng khó khăn do các chính sách "siết chặt" tín dụng bất động sản, tài chính…
Tuy vậy, TS Võ Trí Thành cho rằng, trong bối cảnh trong bối cảnh kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ cả bên trong lẫn bên ngoài, Hà Nội vẫn đạt kết quả đáng ghi nhận. Mức tăng GRDP quý I của Hà Nội tăng 5,80%, tuy thấp hơn mức tăng 5,91% của cùng kỳ năm trước, nhưng GRDP Hà Nội vẫn đứng vị trí thứ 3 trong 5 TP trực thuộc Trung ương và xếp thứ 32/63 địa phương.
TS Võ Trí Thành cho rằng, trong thời gian tới, khu vực thương mại - dịch vụ ngày càng đóng góp nhiều cho tăng trưởng GRDP của Hà Nội. Đồng thời phát huy thế mạnh của Hà Nội là phát triển công nghệ số, nền tảng trực tuyến để tạo sự tăng trưởng ở khu vực kinh doanh - dịch vụ, từ đó thúc đẩy tăng trưởng chung.
Để đạt chỉ tiêu tăng trưởng năm 2023 là 7% như Hà Nội đặt ra, TP tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, quyết liệt trong thu ngân sách và đẩy nhanh tiến độ đầu tư công.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, những tháng tiếp theo là rất quan trọng, đòi hỏi phải tập trung cao độ để thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu năm 2023.
TP tập trung củng cố, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế, phát triển các lĩnh vực văn hóa, du lịch, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Về đầu tư công của Hà Nội trong quý I/2023 có nhiều chuyển biến. Cùng với công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, TP Hà Nội đã chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu, các đơn vị thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, phát triển hạ tầng, góp phần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn TP quý I/2023 ước tính đạt 81.800 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đồng thời, tập trung rà soát để kịp thời tháo gỡ khó khăn và thực hiện đồng bộ hoạt động hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp thông qua các khoản cho vay với lãi suất ưu đãi, các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực...; khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chuyển đổi số, khuyến công, khuyến nông, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.
Trâm Anh- KTĐT