Ảnh minh họa. (Nguồn: Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp)
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024 được tổ chức chiều ngày 28/12/2023, ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Cục QLGSBH), hiện nay, thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện có 81 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 02 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 29 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm) và 01 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nước ngoài.
Thị trường bảo hiểm năm 2023 tăng trưởng khả quan với tổng tài sản tăng 11,1%, đầu tư trở lại nền kinh tế tăng 12,8%, chi trả quyền lợi bảo hiểm tăng 31,3% so với năm 2022.
Riêng doanh thu phí bảo hiểm giảm 8% so với năm 2022, chủ yếu do kinh tế khó khăn và những bất cập trong hoạt động tư vấn, bán hàng, đặc biệt là kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng làm phát sinh tranh chấp trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm trong thời gian gần đây đã làm suy giảm niềm tin và ảnh hưởng đến quyết định tham gia bảo hiểm của người dân.
Năm 2023, Cục QLGSBH đã hoàn thiện đồng bộ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để từng bước tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường bảo hiểm, đáp ứng các cam kết song phương, đa phương về hội nhập quốc tế.
Trong năm đã chủ trì, tham mưu trình Bộ Tài chính ban hành Chương trình hành động của Bộ Tài chính triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cùng với đó, đã tham mưu, trình Bộ trình Chính phủ ban hành 03 Nghị định và 01 Thông tư hướng dẫn một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Đồng thời, đã tổ chức các Hội nghị tập huấn, tuyên truyền về Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành cho các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và các cá nhân, tổ chức có liên quan. Theo đó, các quy định về hợp đồng bảo hiểm, cấp phép, tổ chức hoạt động, kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro của các doanh nghiệp bảo hiểm,.. được sửa đổi, bổ sung nhằm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan, phù hợp thực tiễn phát triển thị trường, tăng cường quản lý nhà nước với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
Năm 2023, qua công tác thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các doanh nghiệp có sai phạm, kiến nghị xử lý về tài chính. Qua đó, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, giữ vững kỷ cương, góp phần làm thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả. Cục đã thành lập và triển khai đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, doanh nghiệp; xây dựng Quy chế tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân qua đường dây nóng. Nhờ sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Tài chính, sự phối hợp của các đơn vị liên quan, các đơn thư khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực bảo hiểm đã được Cục QLGSBH phân loại, xử lý, giải quyết kịp thời, đúng trình tự, thủ tục quy định.
Cục QLGSBH cũng đã ký Quy chế phối hợp công tác với Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) và cử cán bộ tham gia đoàn Thanh tra của Ngân hàng Nhà nước về các nội dung liên quan đến bảo hiểm qua ngân hàng tại một số ngân hàng.
Lê Hải - Như Trường - Pháp luật Plus