Ngăn chặn xe công nghệ ''té nước theo mưa''
Kinhte&Xahoi
Chưa kịp phục hồi sau ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh, vận chuyển hàng hóa, hành khách lại phải gánh thêm thách thức khi giá xăng tăng đến gần 30.000 đồng/lít. Trong khi nhiều đơn vị kinh doanh vận tải truyền thống vẫn đang tìm cách giải bài toán cân đối thu - chi, thì các hãng xe công nghệ cung cấp dịch vụ gọi xe theo ứng dụng đã thông báo tăng giá cước. Để bảo đảm hài hòa lợi ích các bên liên quan, các cấp, ngành cần có biện pháp ngăn chặn tình trạng "té nước theo mưa" của các hãng xe công nghệ kể trên.
Khách hàng sử dụng dịch vụ xe công nghệ của Công ty cổ phần Be Group.
Đồng loạt tăng giá
Ngay sau khi có thông tin giá xăng dầu điều chỉnh tăng giá mạnh đến gần 30.000 đồng/lít xăng, dầu diesel hơn 25.000 đồng/lít thì các hãng xe công nghệ đã có thông báo điều chỉnh tăng giá cước dịch vụ tới các đối tác tài xế và khách hàng. Cụ thể, hãng Grab thông báo điều chỉnh giá cước của một số dịch vụ bắt đầu từ ngày 10-3 nhằm giúp bù đắp một phần chi phí vận hành của đối tác tài xế để họ có thêm cơ hội thu nhập trang trải cuộc sống... Theo đó, mức giá được điều chỉnh tăng thêm 1.000 đồng/km. Giá cước dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội được điều chỉnh lên mức 29.000 đồng/2km đầu tiên và 10.000 đồng cho mỗi ki lô mét tiếp theo…
Chị Nguyễn Thanh Huyền (phố Trung Kính, quận Cầu Giấy) - người hay sử dụng dịch vụ đặt xe công nghệ cho biết: "Tôi hay đặt xe công nghệ để di chuyển từ nhà ở Trung Kính đến cơ quan ở quận Hoàn Kiếm, vào giờ thấp điểm mức giá khoảng 70.000-80.000 đồng/lượt, nhưng vào giờ cao điểm hay ngày mưa thì mức giá được báo toàn trên 100.000 đồng/lượt. Như vậy, ngoài việc tăng giá cước, khách hàng hiện còn phải chịu nhiều phụ phí tăng thêm".
Tiếp theo Grab, ngày 14-3-2022, hãng Gojek cũng thông báo tăng giá cước với các dịch vụ GoRide (vận chuyển hành khách bằng xe 2 bánh) và GoFood (giao đồ ăn) tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tại Hà Nội, Gojek điều chỉnh giá cước cho 2km đầu tiên của dịch vụ GoRide lên 13.000 đồng, từ 2km đến 4km tiếp theo sẽ có giá từ 5.100 đến 6.000 đồng/km. Dịch vụ GoFood cho 3km đầu tiên được điều chỉnh từ 15.000 đồng lên 16.000 đồng… Gojek viện dẫn, giá cước trên được tính toán trên cơ sở mang lại chất lượng dịch vụ tốt nhất cho người dùng, đồng thời bảo đảm cho các đối tác tài xế của Gojek nhận về khoản thu xứng đáng với thời gian và công sức bỏ ra.
Trong khi nhiều hãng xe công nghệ tăng giá cước dịch vụ thì Công ty cổ phần Be Group (ứng dụng Be) lại không tăng giá tất cả các sản phẩm, dịch vụ để góp phần chung tay vào công tác bình ổn giá sau đại dịch và hỗ trợ khách hàng của Be. Tổng Giám đốc Be Group Vũ Hoàng Yến cho biết, Be cũng quyết định hỗ trợ giảm chiết khấu lên đến 10% cho các tài xế BeCar thân thiết ở một số địa phương kể từ ngày 17-3-2022, cũng như bổ sung nâng mức các chương trình hỗ trợ thu nhập (lên đến 2 triệu đồng/tuần) cho các tài xế của Be nói chung.
Nhiều hãng xe công nghệ đã có thông báo điều chỉnh tăng giá cước dịch vụ tới tài xế và khách hàng. Ảnh: Ngân Thùy
Cần thận trọng khi tăng giá cước
Dù nhiều hãng tăng giá cước, nhưng trao đổi với một số lái xe công nghệ cho thấy, hãng thông báo tăng giá nhưng thu nhập của lái xe không tăng so với trước đây, thậm chí còn sụt giảm. Anh Nguyễn Hữu Thắng (phường Thổ Quan, quận Đống Đa) cho biết, anh tham gia vận chuyển hàng hóa (shipper) ở ứng dụng GrabFood, khi xăng chưa tăng giá, đổ 60.000 đồng tiền xăng thì thu được tiền cước vận chuyển 400.000 đồng/ngày, giờ đổ 90.000 đồng tiền xăng chỉ thu được 360.000 đồng cho khoảng 20 đơn hàng/ngày. Còn anh Khổng Hạo Vương (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) cho biết, giá các dịch vụ Grab tăng dẫn đến số lượng khách đặt xe sụt giảm, trong khi chi phí xăng xe tăng cao nên thu nhập của tài xế cũng sụt giảm theo.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên, cho biết, cần xem lại quy định hoạt động của hình thức tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân như các ứng dụng gọi xe công nghệ thuộc hoạt động vận tải nhưng lại có quyền tự quyết định về giá vận tải và các chính sách đối với khách hàng… trong khi các hãng vận tải truyền thống muốn tăng giá phải làm các thủ tục đề xuất phê duyệt qua nhiều cấp, cơ quan có thẩm quyền. Mặt khác, theo ông Bùi Danh Liên, hoạt động kinh doanh vận tải gần như “chết lâm sàng” sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, gần đây giá xăng dầu tăng khiến doanh nghiệp đã khó càng thêm khó. Tuy nhiên, cần thận trọng khi xem xét tăng giá cước bởi nếu không thu hút được khách hàng thì doanh nghiệp cũng khó tăng thu nhập.
Trước diễn biến của giá xăng, dầu tăng cao, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện đã đề nghị các đơn vị tiếp nhận hồ sơ kê khai tăng giá, kiên quyết không cho kê khai tăng giá khi không đủ cơ sở; xử lý các tổ chức, cá nhân lợi dụng để tăng giá cước trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Để tạo cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh giữa các loại hình vận tải, rất cần những chế tài giám sát việc tăng giá cước của doanh nghiệp vận tải, gồm cả các hãng xe công nghệ, nhất là với những khoản tăng không minh bạch, có dấu hiệu trục lợi.
Nhóm PV - Hà Nội mới