Nghi vấn Agribank vi phạm pháp luật: Chia nhỏ 'dự án'?

07/11/2018 09:44

Kinhte&Xahoi Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã tổ chức thực hiện in lịch tặng khách hàng dịp Tết không qua đấu thầu. Vậy, việc làm này có vi phạm pháp luật?

Là ngân hàng 100% vốn nhà nước, mọi hoạt động của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) đều phải tuân thủ tuyệt đối theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Kiến Thức, nhiều năm qua hoạt động in lịch của Agribank lại không đúng theo các quy định pháp luật.

Không đấu thầu, thậm chí chia nhỏ "dự án" tổ chức thực hiện in lịch sai luật

Cụ thể, trong công văn số 4098/NHNo-TTTTr (ban hành 11/6/2013), của Agribank gửi các văn phòng đại diện nêu: “Tổng Giám đốc chỉ đạo việc tổ chức in và phát hành lịch năm 2014… Tuân thủ maket lịch block năm 2014 (Mẫu maket tải về theo chỉ dẫn…) và các yêu cầu kỹ thuật gửi kèm.” Văn bản này do ông Nguyễn Tiến Đông – Phó Tổng giám đốc ký.

Về kinh phí in lịch được Agribank lấy từ nguồn chi phí trong hoạt động kinh doanh của mình.

Nhiều năm qua hoạt động in lịch của Agribank không đúng theo các quy định pháp luật.

Các năm tiếp theo, Agribank cũng không tiến hành đấu thầu, mà giao cho các chi nhánh tự in lịch. Đơn cử như năm 2015, Tổng Giám đốc Agribank phê duyệt chi phí in cho trụ sở chính 500 triệu đồng, các văn phòng đại diện 200 triệu đồng/đơn vị; còn các chi nhánh từ 50 - 80 triệu đồng. Tổng chi phí cho việc in lịch hơn 32 tỷ đồng.

Nếu chiếu theo công văn số 1116/QLĐT-CS của Cục Quản lý Đấu thầu, việc in lịch của Agribank phải tiến hành đấu thầu và in tập trung. Tuy nhiên, Agribank lại làm trái với quy định của Luật đấu thầu khi chia nhỏ “dự án” để các chi nhánh tự in.

Lãnh đạo Agribank cáo bận... tránh đối diện sự thật làm sai?

Với mục đích làm rõ các vấn đề: Tại sao Lãnh đạo Agribank giao cho các chi nhánh tự in lịch - có phải chia nhỏ dự án? Việc in lịch hằng năm không qua đấu thầu có vi phạm Luật đấu thầu? Và nhiều hoạt động mua sắm tài sản hằng năm; danh mục hàng hóa dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung nhưng Agribank lại không thực hiện mua sắm tập trung mà chia nhỏ… PV đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Phượng – Phó tổng giám đốc Agribank để đặt lịch làm việc, thu thập thông tin, tư liệu đa chiều để rộng đường dư luận. Thế nhưng, bà Phượng cáo bận và giao cho ông Nguyễn Trung Dũng - Trưởng phòng Tiếp thị và Truyền thông của Agribank.

Theo yêu cầu của Agribank, PV đã hoàn tất các thủ tục để đặt lịch làm việc. Nhưng gần nửa tháng trôi qua, PV vẫn chưa nhận được lịch hẹn làm việc từ phía Agribank. Vậy, một câu hỏi được đặt ra là: Lãnh đạo Agribank cáo bận... có nhằm tránh né đối diện sự thật làm sai Luật đấu thầu, vi phạm pháp luật trong việc tổ chức thực hiện in lịch...?

Theo Luật Đấu thầu 2013, Nghị định 63 năm 2014 của Chính phủ, Quyết định 08 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đơn vị nhà nước mua sắm tập trung phải tuân theo phương thức tập trung để đảm bảo từng đồng thuế của người dân được chi đúng mục đích và đạt hiệu quả kinh tế.

Liên quan đến vấn đề này, trong công văn số 1116/QLĐT-CS của Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch Đầu tư) gửi Agribank (ngày 8/11/2017) khẳng định: Luật đấu thầu (điều 3 khoản 2) quy định trường hợp lựa chọn nhà thầu cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư… thì doanh nghiệp phải ban hành quy định về lựa chọn nhà thầu để áp dụng thống nhất trong doanh nghiệp trên cơ sở bảo đảm mục tiêu công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Theo đó, trường hợp thuê đơn vị tổ chức in lịch là hoạt động mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của Agribank thì Agribank phải ban hành quy định về lựa chọn nhà thầu (quy chế mua sắm) theo quy định nêu trên để làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu…”.

Được biết trước đó, Agribank vẫn tổ chức đấu thầu in lịch, nhưng từ sau năm 2013, không hiểu vì lý do gì việc in lịch không được đấu thầu tập trung nữa mà chia nhỏ, giao cho các chi nhánh tự in (?!)

PV sẽ tiếp tục làm rõ và thông tin về vụ việc Agribank bị nghi ngờ vi phạm pháp luật... không đấu thầu in lịch, chia nhỏ “dự án”?

 

Theo Kiến Thức/GĐ&PL

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đổi USD ở đâu là hợp pháp?

Đổi ngoại tệ thành Việt Nam đồng là một giao dịch tương đối phổ biến. Tuy nhiên không phải ai cũng biết quy định của pháp luật về vấn đề này.

Năm 2018: Dư nợ tín dụng có thể tăng 15,22%

Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng 4,52% trong Quý IV/2018 và tăng 15,22% trong năm 2018 trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động vốn và cho vay được các tổ chức tín dụng (TCTD) dự báo tiếp tục duy trì ổn định trong Quý IV/2018 và cả năm 2018.