Năm 2021, thủy sản Việt Nam xuất sang Mỹ đạt trên 2,05 tỷ USD, tăng 26,2% so với năm 2020. Ảnh: Sơn Hà
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam và Mỹ đạt 111,56 tỷ USD, tăng gần 21 tỷ USD so với năm 2020, Mỹ trở thành đối tác thương mại thứ hai của Việt Nam đạt được mốc 100 tỷ USD (sau Trung Quốc). Trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 96,29 tỷ USD, tăng 24,9% so với năm 2020. Năm 2021 có tới 13 nhóm hàng xuất khẩu sang Mỹ đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 3 nhóm đạt hơn 10 tỷ USD. Nhóm đạt kim ngạch lớn nhất là máy móc, thiết bị với 17,82 tỷ USD; tiếp đến dệt may 16,1 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 12,76 tỷ USD…
Riêng nhóm hàng nông sản, thủy sản, đồ nội thất, trang trí… có vị thế quan trọng trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tới Mỹ, bởi đây là các hàng hóa thế mạnh của chúng ta trong khi phía Mỹ lại có nhu cầu lớn. Theo ước tính của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam tới thị trường Mỹ năm 2021 ước đạt gần 8,8 tỷ USD, tăng 22,4% so với năm 2020. Còn thủy sản Việt Nam xuất sang Mỹ năm qua đạt trên 2,05 tỷ USD, tăng 26,2% so với năm 2020. Ngay trong tháng 1-2022, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch ước đạt 9 tỷ USD.
Đánh giá về thị trường Mỹ, Tham tán Công sứ, Thương mại Việt Nam tại Mỹ Bùi Huy Sơn cho biết, với quy mô dân số hơn 333 triệu người cùng sức mua lớn, lại đang trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, Mỹ là thị trường tiềm năng với hàng hóa Việt Nam. “Nhu cầu và tập quán tiêu dùng phong phú theo thu nhập, đặc trưng văn hóa và vùng miền tạo nên dư địa lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khai thác thị trường Mỹ. Ngoài ra lực lượng người Việt đông đảo ở Mỹ chính là cầu nối, là nhóm khách hàng quan trọng của hàng hóa Việt Nam", ông Bùi Huy Sơn nói. Về thị trường thực phẩm khu vực miền Tây nước Mỹ, Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco Trần Minh Thắng cho hay, khu vực này tập trung nhiều siêu thị lớn, số người Mỹ gốc Việt tại đây tương đối lớn với 2,18 triệu người cùng sức tiêu thụ hàng hóa lớn. Đây là thị trường tiềm năng cho hàng Việt Nam.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, Mỹ cũng là thị trường “khó tính” với các yêu cầu cao về an toàn vệ sinh thực phẩm, các rào cản kỹ thuật về lao động, môi trường… Bên cạnh đó hàng Việt còn phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa sản xuất tại Mỹ cũng như sản xuất tại các nước châu Á, Nam Mỹ, thậm chí là châu Phi. Để chiếm lĩnh thị trường Mỹ, ông Bùi Huy Sơn chỉ rõ, doanh nghiệp cần nắm bắt tính đa dạng và cởi mở trong văn hóa Mỹ. Đồng thời cần nâng cao hơn nữa chất lượng và hàm lượng kỹ thuật trong các sản phẩm, chú trọng tính hợp pháp, sự an toàn, thân thiện với môi trường; đánh giá thường xuyên các nguy cơ về cạnh tranh không lành mạnh để hạn chế rủi ro về phòng vệ thương mại.
Tổng Giám đốc điều hành Công ty Dragonberry Produce (Mỹ) Amy Nguyễn, hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu trái cây cho biết, muốn xuất khẩu hàng hóa, nhất là nông sản sang Mỹ, phải nắm rõ các quy định liên quan đến kiểm dịch động - thực vật, bảo đảm sản phẩm không vượt ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Công nghệ bảo quản sản phẩm cũng cần được nâng cấp để hàng hóa có thể vận chuyển đường dài mà vẫn tươi ngon khi đến kệ bán cho người tiêu dùng.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, để hiện thực hóa tiềm năng phát triển thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ, hai bên cần tăng cường kết nối, bảo đảm tính liên tục trong hoạt động của các chuỗi cung ứng, tránh những tác động tiêu cực đến các ngành sản xuất đã chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời, cần phát huy cơ chế đối thoại chính sách của Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Mỹ để kiến tạo khung khổ pháp lý thuận lợi, thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư và kịp thời giải quyết những khó khăn phát sinh trong lĩnh vực kinh tế, thương mại.
Lam Giang - Hà Nội mới