Người dân giao dịch tại Chi cục Thuế quận Đống Đa (Cục Thuế thành phố Hà Nội). Ảnh: Đỗ Tâm
Nợ thuế gần 200.000 tỷ đồng
Theo Tổng cục Thuế, trong tháng 5-2024, toàn ngành Thuế thu nợ được 5.033 tỷ đồng. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, ngành Thuế thu được 37.101 tỷ đồng nợ thuế, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó thu bằng biện pháp quản lý nợ là 34.550 tỷ đồng, thu bằng biện pháp cưỡng chế là 2.551 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31-5-2024, tổng nợ toàn ngành đang quản lý ước tính 199.964 tỷ đồng, tăng 1,5% so với thời điểm ngày 30-4-2024. Nếu loại trừ số tiền thuế nợ đang xử lý và tiền thuế nợ đang khiếu nại, tổng số tiền thuế nợ ước tính là 176.491 tỷ đồng. Về cơ cấu nợ thuế, số nợ khó thu chiếm tỷ trọng 16%; nợ có khả năng thu chiếm tỷ trọng 57,5%; nợ thuế, phí chiếm tỷ trọng 32,3%; nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chiếm tỷ trọng 25,2%...
Bộ Tài chính cho biết, số nợ đọng thuế tại nhiều địa phương có xu hướng tăng cao, đặc biệt là các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất do khó khăn chung của nền kinh tế và thị trường vốn ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Bên cạnh đó, tiền thuế nợ tăng còn do người dân, doanh nghiệp chưa kịp thời nộp các khoản quyết toán thuế thu nhập năm 2023, các khoản tiền thuế được gia hạn đã đến thời hạn phải nộp.
Để đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế, bảo đảm tỷ lệ nợ đọng thuế, phí đến thời điểm ngày 31-12-2024 không vượt quá 5% tổng số thực thu ngân sách nhà nước, mới đây, Bộ Tài chính đã đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan thành lập ban chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế và tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn. Ban chỉ đạo do lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố làm trưởng ban và các thành viên là đại diện các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã trực thuộc hoặc rà soát, bổ sung nhiệm vụ cho ban chỉ đạo (nếu đã thành lập) và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động chi tiết.
Bộ Tài chính đề nghị, các ban chỉ đạo rà soát danh sách doanh nghiệp có nợ thuế lớn trên địa bàn, xác định biện pháp thu hồi cụ thể đối với từng tổ chức, cá nhân, báo cáo UBND tỉnh, thành phố; làm việc với tổ chức, cá nhân nợ thuế lớn để đôn đốc thu hồi. Định kỳ hằng tháng, ban chỉ đạo báo cáo kết quả hoạt động với UBND tỉnh, thành phố và Bộ Tài chính (qua Tổng cục Thuế) để theo dõi và chỉ đạo kịp thời.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Trong các giải pháp đôn đốc thu hồi nợ thuế 6 tháng cuối năm 2024, Bộ Tài chính đã đề nghị các địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng trên địa bàn (ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, công an, thông tin - truyền thông, quy hoạch - kiến trúc, kế hoạch - đầu tư, tài nguyên - môi trường, tài chính, xây dựng, quản lý xuất nhập cảnh...) phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định của Luật Quản lý thuế để thu hồi nợ đọng. Đặc biệt, đối với các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản dây dưa, kéo dài, Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan liên quan phân loại, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tổ chức, cá nhân để sớm xử lý nợ thuế.
Đối với các dự án chây ỳ, không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, cơ quan thuế phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh, thành phố thu hồi đất theo quy định; đồng thời cung cấp thông tin, triển khai kịp thời các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế; công khai thông tin tổ chức, cá nhân chây ỳ nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.
Bộ Tài chính cũng đã giải thích, việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp nợ thuế đều là những trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, đặc biệt là các trường hợp không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký. Đây là một trong những giải pháp quyết liệt nhằm thu hồi nợ cho ngân sách nhà nước.
Về phía ngành Thuế, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho hay đã yêu cầu cơ quan thuế các cấp theo dõi sát các khoản thuế, phí được gia hạn để đôn đốc doanh nghiệp, người dân nộp đầy đủ, tránh phát sinh nợ mới và tiền chậm nộp; phân loại các khoản nợ thuế để có giải pháp quản lý, đôn đốc thu phù hợp, đúng quy định... Cục thuế các địa phương đã giao chỉ tiêu thu nợ cụ thể cho các phòng chức năng, chi cục thuế các huyện, khu vực; chỉ tiêu thu nợ cũng được giao cho từng cán bộ, công chức, bên cạnh việc rà soát, phân loại nợ, phân tích nguyên nhân nợ của từng doanh nghiệp để có giải pháp áp dụng quyết liệt, cưỡng chế để thu hồi nợ thuế...
Hương Thủy - Hà Nội mới